Luận văn Vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay qua thực tiễn tại Ninh Thuận

pdf 90 trang vuhoa 24/08/2022 8260
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay qua thực tiễn tại Ninh Thuận", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfluan_van_van_de_truc_loi_bao_hiem_that_nghiep_o_viet_nam_hie.pdf

Nội dung text: Luận văn Vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay qua thực tiễn tại Ninh Thuận

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM NGÔ HUỲNH DUY LÂM VẤN ĐỀ TRỤC LỢI BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY QUA THỰC TIỄN TẠI NINH THUẬN Chuyên ngành: Luật Kinh tế Mã ngành: 8380107 LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ Người hướng dẫn khoa học: TS. LÊ VĂN HƯNG Ninh Thuận, tháng 11 năm 2019
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đề tài “Vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay qua thực tiễn tại Ninh Thuận” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình khoa học nào khác cho tới thời điểm này. Số liệu và tài liệu tham khảo trong luận văn được trích dẫn và có nguồn gốc rõ ràng. Ninh Thuận, ngày 20 tháng 11 năm 2019 Tác giả luận văn Ngô Huỳnh Duy Lâm
  3. MỤC LỤC TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG SỐ LIỆU DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ DANH MỤC CÁC QUY TRÌNH TÓM TẮT ABSTRACT MỞ ĐẦU 14 1. Lý do chọn đề tài: 14 2. Tình hình nghiên cứu: 15 3. Câu hỏi nghiên cứu: 18 4. Giả thuyết nghiên cứu: 18 5. Phạm vi nghiên cứu: 18 5.1. Đối tượng nghiên cứu: 18 5.2. Không gian nghiên cứu: 19 5.3. Thời gian nghiên cứu: 19 6. Phương pháp nghiên cứu đề tài: 19 7. Kết cấu đề tài: 19 Chương 1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ BHTN VÀ NHẬN DIỆN HÀNH VI TRỤC LỢI BHTN 20 1.1. Cơ sở pháp lý về Bảo hiểm thất nghiệp: 20 1.1.1. Khái quát về Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam 20 1.1.2. Chế độ Bảo hiểm thất nghiệp 22 1.2. So sánh với Bảo hiểm thất nghiệp của một số nước trên thế giới 24 1.2.1. Bảo hiểm thất nghiệp ở Hoa Kỳ 24 1.2.2. Bảo hiểm thất nghiệp ở CHLB Đức 27
  4. 1.2.3. Bảo hiểm thất nghiệp ở Đan Mạch 29 1.2.4. Bảo hiểm thất nghiệp ở Nhật Bản 30 1.2.5. Bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc 33 1.3. Sự trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 34 1.3.1. Hành vi trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 34 1.3.2. Nguyên nhân dẫn đến hành vi trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 35 1.4. Những hệ luỵ khi Bảo hiểm thất nghiệp bị trục lợi 35 1.4.1. Trục lợi, gây thất thoát nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 35 1.4.2. Trục lợi, tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng 36 1.4.3. Trục lợi, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội và gây phẫn nộ trong dư luận xã hội 36 1.5. Sự cần thiết phải có hành lang pháp lý để chống trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 37 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 37 Chương 2. THỰC TIỄN PHÁP LUẬT CHỐNG TRỤC LỢI VÀ TÌNH HÌNH TRỤC LỢI BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở NINH THUẬN 39 2.1. Thực tiễn pháp luật về chống trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 39 2.1.1. Những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành để chống trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 39 2.1.2. Hiệu quả của pháp luật chống trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp trong thực tiễn 41 2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp tại Ninh Thuận . 42 2.2.1. Tình hình tham gia Bảo hiểm thất nghiệp tại Ninh Thuận 42 2.2.2. Quy trình tính hưởng và chi trả Trợ cấp thất nghiệp tại Ninh Thuận 47 2.3. Tình hình trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận 48 2.3.1. Người lao động trục lợi Trợ cấp thất nghiệp 48 2.3.2. Người sử dụng lao động trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp 52 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 53 Chương 3. CÁC GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TRỤC LỢI BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP 55
  5. 3.1. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật 57 3.1.1. Đối với pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp 57 3.1.2. Đối với các pháp luật khác có liên quan 61 3.2. Thay đổi cơ chế phối hợp giữa ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với cơ quan Bảo hiểm xã hội Ninh Thuận 63 3.3. Thay đổi cơ chế phối hợp giữa Cơ quan Nhà nước với Người sử dụng lao động 66 KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 67 KẾT LUẬN CHUNG 68 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
  6. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ASXH An sinh xã hội BHTN Bảo hiểm thất nghiệp BHXH Bảo hiểm xã hội BHYT Bảo hiểm y tế CMND Chứng minh thư Nhân dân DVVL Dịch vụ việc làm DN Doanh nghiệp HĐLĐ Hợp đồng lao động LĐTBXH Lao động – Thương binh và Xã hội NLĐ Người lao động NSDLĐ Người sử dụng lao động TCTN Trợ cấp thất nghiệp UBND Uỷ ban nhân dân
  7. DANH MỤC CÁC BẢNG SỐ LIỆU Bảng 1.1: Số liệu của HelloWork – số tiền trợ cấp tối đa. Bảng 1.2: Số liệu của HelloWork – thời gian hưởng trợ cấp (lỗi do NLĐ). Bảng 1.3: Số liệu của HelloWork – thời gian hưởng trợ cấp (lỗi do NSDLĐ). Bảng 1.4: So sánh pháp luật về BHTN ở Việt Nam với một số nước Bảng 2.1: Số người hưởng TCTN tại Ninh Thuận luỹ kế qua các năm. Bảng 2.2: Số tiền chi TCTN tại Ninh Thuận hàng năm. Bảng 2.3: So sánh số người trục lợi/số người hưởng TCTN hai giai đoạn. Bảng 2.4: So sánh số tiền trục lợi/số tiền chi TCTN hai giai đoạn. Bảng 3.1: Mẫu bảng câu hỏi trong phiếu khảo sát, điều tra NLĐ thất nghiệp
  8. DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ Hình 2.1: Biểu đồ Số người hưởng TCTN luỹ kế qua các năm. Hình 2.2: Biểu đồ Số tiền chi TCTN hàng năm. Hình 2.3a: Tỷ lệ số người hưởng TCTN/số trường hợp trục lợi giai đoạn 2010-2016. Hình 2.3b: Tỷ lệ số người hưởng TCTN/số trường hợp trục lợi giai đoạn 2017-nay. Hình 2.4a: So sánh số tiền trục lợi/số tiền chi TCTN giai đoạn 2010-2016. Hình 2.4b: So sánh số tiền trục lợi/số tiền chi TCTN giai đoạn 2017-nay.
  9. DANH MỤC CÁC QUY TRÌNH Quy trình 2.1. Quy trình nộp hồ sơ và xét duyệt hồ sơ hưởng BHTN Quy trình 2.2. Quy trình chi trả TCTN Quy trình 2.3. Quy trình tạm dừng hưởng TCTN Quy trình 2.4. Quy trình chấm dứt hưởng TCTN Quy trình 2.5. Quy trình chuyển hưởng đi, đến
  10. TÓM TẮT Tiếp cận thực tế chính sách BHTN tại Ninh Thuận. Tác giả Luận văn nhận thấy pháp luật về BHTN và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ nên NLĐ và NSDLĐ đã lợi dụng để trục lợi BHTN. Sự trục lợi này làm phát sinh các hệ luỵ như: Thâm hụt quỹ BHTN; gây bất ổn đối với chính sách BHTN; tiêu cực về đạo đức xã hội, Trong thời gian qua trên phạm vi cả nước, các nghiên cứu, đề tài khoa học nhìn chung chỉ đề cập tới tổng quan lĩnh vực thất nghiệp, chính sách BHTN cũng như đặc thù áp dụng pháp luật về BHTN của các địa phương. Vẫn chưa có công trình khoa học nào xem xét đến khía cạnh trục lợi BHTN. Thông qua phương pháp phân tích và so sánh luật, cùng với các phương pháp thống kê; điều tra xã hội học; phỏng vấn chuyên gia, Tác giả sẽ làm sáng tỏ những điểm chưa hoàn thiện của pháp luật về BHTN hiện hành. Đồng thời, chỉ ra các hành vi trục lợi chế độ BHTN và những hạn chế trong phối hợp thực hiện chính sách BHTN giữa các cơ quan. Với đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật để chủ động ngăn ngừa sự trục lợi, kết hợp với đề xuất thay đổi cơ chế phối hợp giữa các cơ quan với nhau và với Doanh nghiệp, tác giả Luận văn hy vọng nếu được áp dụng đồng bộ sẽ hạn chế đến mức tốt nhất tình trạng trục lợi BHTN trên phạm vi cả nước. Từ khóa: Bảo hiểm thất nghiệp, Trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp, Chống trục lợi Bảo hiểm thất nghiệp.
  11. ABSTRACT Through practical approach for unemployment insurance (UI) policies in Ninh Thuan Province, the Author of this thesis finds that the law on UI and the coordination between Goverment’s Agencies is imperfect, so employees and employers have taken advantage of to gain illegal unemployment benefits. It causes the following consequences: Deficiting of UI Fund; destabilizing UI policies; making negative social morality, In Vietnam before, all scientific researches only covered generally overview of unemployment, UI policies beside application of laws on UI in each local areas. There has not been any scientific research considering the aspect of profiteering in polices of UI. By method of analyzing and comparing laws, statistical method; sociological investigation; interviewing experts, The Author will clarify the incomplete provisions of the current law on UI. At the same time, this research will pointing the profiteering acts in unemployment benefits and the illogicality in coordinating between agencies to implementation of UI policies. With the proposal of amending and supplementing legal regulations to proactively prevent the profiteering from UI, and proposing changes in coordination mechanism between Agencies and with Enterprises, the Author hopes that if they are applied synchronously, we will make minimum the state of profiting unemployment benefits in Vietnam. Keywords: Unemployment insurance, Profiteering from unemployment insurance, Restricting profited from unemployment insurance.
  12. 14 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: Pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành tại Việt Nam kể từ năm 2009, đến nay Bộ LĐTBXH đã chủ động tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành và liên tục cập nhật sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp lý để hướng dẫn và làm cơ sở triển khai thực hiện BHTN, Trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. BHTN và TCTN là hai nội dung luôn mang tính thời sự, do đó Luật và các văn bản pháp quy dưới luật về BHTN được chú trọng sửa đổi, cập nhật, ban hành mới nhằm khắc phục các “kẻ hở” để hạn chế tình trạng trục lợi, có thể kể ra Luật Việc làm được ban hành năm 2013; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2013; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm; Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ- CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm; Trong bối cảnh tình hình kinh tế của tỉnh Ninh Thuận vừa có thuận lợi và khó khăn, thử thách đan xen. Mỗi năm trên địa bàn Ninh Thuận, trung bình số doanh nghiệp được thành lập mới là 400 DN, nhưng cũng có gần 100 DN giải thể, phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động1. Có DN phát triển và cũng có DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn và là tác nhân trực tiếp gây nên biến động nguồn lao động của tỉnh. Việc thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn Ninh Thuận đã có chuyển biến tích cực, được các cấp - ngành quan tâm. Quyền lợi và đời sống của NLĐ được đảm bảo. Các cơ quan có liên quan đã phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện BHTN trên địa bàn đúng quy định của pháp luật, giải quyết TCTN cho người lao động mất việc theo quy trình “một cửa liên thông” đạt hiệu quả. Công tác tuyên truyền, tập huấn và phối hợp tổ chức đối thoại với các DN về thực hiện pháp luật BHTN diễn ra 1 Theo số liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư Ninh Thuận cung cấp tại Báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của UBND tỉnh Ninh Thuận
  13. 15 thường xuyên. Tuy nhiên, NLĐ mất việc làm vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số lao động tại địa phương. Theo thống kê, trung bình mỗi năm ngành LĐTBXH giải quyết hơn 2.000 hồ sơ BHTN2, câu hỏi đặt ra là có hay không NLĐ đã cố tình thôi việc để hưởng lợi từ TCTN? Bên cạnh đó, tình trạng NLĐ đang hưởng TCTN, nhưng đến khi có việc làm mới không thành thật khai báo với cơ quan có thẩm quyền để chấm dứt hưởng TCTN vẫn còn diễn ra. Sự phối hợp giữa ngành LĐTBXH với ngành BHXH chưa chặt chẽ nên từ năm 2010 đến hết tháng 6/2019 vẫn còn xảy ra 241 trường hợp trục lợi3 (có quyết định hưởng TCTN và đã có quyết định thu hồi); với tổng số tiền cần thu hồi là 1.106.030.500 đồng, trong đó đã thu hồi được 206 trường hợp, vẫn còn 35 trường hợp chưa thu hồi được với số tiền 271.747.200 đồng. Từ tình hình trên, có thể nảy sinh các các hệ luỵ như: Thâm hụt quỹ BHTN do chi TCTN quá nhiều; thói quen của NLĐ và NSDLĐ trục lợi gây bất ổn đối với chính sách BHTN; góc nhìn tiêu cực về đạo đức xã hội đối với hành vi trục lợi Đó là lý do tôi chọn đề tài này để nghiên cứu nhằm chỉ ra các hạn chế của pháp luật về BHTN hiện hành và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp. 2. Tình hình nghiên cứu: Từ khi Việt Nam chuyển đối cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 kéo theo hàng loạt DN phá sản hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh dẫn đến một lượng lớn NLĐ thất nghiệp thì vấn đề nghiên cứu BHTN mới được đặt ra. BHTN là vấn đề mới cho nên các công trình nghiên cứu chưa nhiều và chủ yếu là những bài viết khoa học về thất nghiệp, về xây dựng chế độ BHTN, hoặc liên quan đến vấn đề này dưới góc độ lý luận và kinh nghiệm của các nước trên thế giới: 2 Theo số liệu cung cấp của Tung tâm DVVL Ninh Thuận, riêng năm 2018, toàn tỉnh có 3.011 hồ sơ đăng ký thất nghiệp 3 Theo báo cáo tình hình thực hiện BHXH 06 tháng đầu năm 2019 của BHXH tỉnh Ninh Thuận, số liệu được luỹ kế đến thời điểm báo cáo
  14. 16 (1) Về sách: Có thể kể ra cuốn sách “Bảo hiểm xã hội - những điều cần biết” do Nhà xuất bản Thống kê phát hành năm 2001, được biên soạn trên cơ sở lý luận cơ bản về BHXH và những nghiên cứu, những bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý đã được đăng tải trên các Tạp chí và Kỷ yếu Hội thảo khoa học trong lĩnh vực này; cuốn sách cũng hệ thống hoá những nội dung cơ bản của chính sách BHXH hiện hành và các văn bản mới được ban hành nhằm làm rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ trong việc thực hiện chính sách BHXH. Bên cạnh đó, cuốn sách “Hướng dẫn thi hành luật bảo hiểm xã hội, luật bảo hiểm y tế và quy định mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp” do Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2019, tổng hợp các nội dung mới nhất về Luật và các văn bản pháp quy (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn thi hành các vấn đề về BHXH, BHYT, BHTN. (2) Về Đề tài nghiên cứu khoa học: Đề tài “Xây dựng cơ chế và mô hình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” của Vụ Lao động – Việc làm (nay là Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTBXH) năm 2008 là những nghiên cứu đầu tiên về cơ chế, mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHTN, công tác quản lý nhà nước về BHTN. Bên cạnh đó, tác giả TS. Nguyễn Văn Định trong đề tài “Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường” đã nghiên cứu những vần đề lý luận về thất nghiệp, TCTN và BHTN; cùng với đánh giá thực trạng thất nghiệp, nhu cầu và khả năng tham gia BHTN, thực trạng chính sách và công tác tổ chức triển khai BHTN ở nước ta qua đó làm rõ quan điểm về tổ chức BHTN, đồng thời đưa ra những kiến nghị và giải pháp. Liên quan đến trợ cấp BHTN, tác giả TS. Nguyễn Huy Ban thực hiện đề tài “Nghiên cứu những nội dung cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp hiện đại - vấn đề lựa chọn hình thức trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam” đã tập trung nghiên cứu chính sách về TCTN đối với người lao động, kết quả nghiên cứu đã đưa ra một số luận cứ khoa học cơ bản và các hình thức thực hiện trợ cấp theo quan điểm khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về vấn đề BHTN. Ngoài ra, đề tài còn nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện chế độ BHTN của các nước có nền kinh tế phát triển giúp các nhà hoạch định chính sách BHTN nước ta nghiên cứu, tham khảo.
  15. 17 (3) Về Luận án, luận văn nghiên cứu: Luận án tiến sỹ “Quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta hiện nay” năm 2016, của tác giả Nguyễn Quang Trường cung cấp các luận cứ khoa học cho các cơ quan hoạch định, thực thi luật pháp, chính sách về BHTN để phục vụ cho việc điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quản lý nhà nước về BHTN ở Việt Nam. Đồng thời làm sáng tỏ khung lý thuyết của quản lý nhà nước về BHTN trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Luận án đã cung cấp phương thức, công cụ và biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về BHTN nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia của NLĐ, tăng cường và hoàn thiện quản lý nhà nước về BHTN. Tác giả Phùng Thị Cẩm Châu trong luận án tiến sỹ “Hoàn thiện quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên” năm 2013, thì tập trung nghiên cứu đánh giá việc thực hiện BHTN tại tỉnh Thái Nguyên trong một giai đoạn, qua đó mở ra một góc nhìn cho NLĐ, công đoàn cơ sở, các DN, các cơ quan xây dựng chính sách BHTN, các cơ quan quản lý BHTN nhận thức và thực hiện tốt hơn chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Liên quan đến quỹ BHTN, luận án tiến sỹ “Quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam” năm 2018, của tác giả Trần Minh Thắng nghiên cứu kinh nghiệm về BHTN ở một số nước trên thế giới, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý quỹ BHTN ở Việt Nam, chỉ ra nguyên nhân chính làm cho quỹ hiện nay thặng dư do chính sách pháp luật về BHTN còn mang tính thụ động, chủ yếu chỉ hướng đến việc chi trả TCTN, chưa sử dụng thực sự hiệu quả cho các chính sách thị trường lao động chủ động với mục đích chuyển đổi, đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp có thể xảy ra như một số nước trên thế giới đang triển khai. Ngoài ra, nhiều tác giả nghiên cứu luận văn Thạc sỹ về BHTN như Ngô Thu Phương với đề tài “Bảo hiểm thất nghiệp trong Luật bảo hiểm xã hội ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, Nguyễn Thị Hoa với đề tài “Pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay”, và tác giả Nguyễn Thị Mộng Trầm đã nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam
  16. 18 Tuy nhiên các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học, các bài viết nói trên nhìn chung chỉ đề cập tới tổng quan lĩnh vực thất nghiệp và BHTN trong điều kiện nước ta bước đầu thực hiện chính sách BHTN cũng như đặc thù áp dụng pháp luật về BHTN của các địa phương trên cả nước. Vì thế vẫn chưa có công trình khoa học nào xem xét đến khía cạnh trục lợi chế độ BHTN nói chung, nhất là trục lợi BHTN tại các địa phương, trong đó có địa bàn tỉnh Ninh Thuận, do đó có thể nói đề tài “Vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay qua thực tiễn tại Ninh Thuận” là luận văn thạc sĩ đầu tiên nghiên cứu về sự trục lợi chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 3. Câu hỏi nghiên cứu: - Pháp luật về BHTN được quy định như thế nào? - Thực trạng áp dụng pháp luật về BHTN tại tỉnh Ninh Thuận có những vấn đề bất cập gì? Có hay không NLĐ và NSDLĐ trục lợi chế độ BHTN? - Cần có giải pháp gì để hạn chế sự trục lợi chế độ BHTN? 4. Giả thuyết nghiên cứu: Người lao động và NSDLĐ đã lợi dụng những vấn đề còn hạn chế của pháp luật về BHTN cũng như sự phối hợp chưa tốt giữa ngành LĐTBXH và cơ quan BHXH trong thực hiện quy trình chi trả chế độ TCTN để trục lợi chế độ BHTN. Nghiên cứu này sẽ chỉ ra tình trạng trục lợi chế độ BHTN của NLĐ cả nước nói chung và ở Ninh Thuận hiện nay nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục. 5. Phạm vi nghiên cứu: 5.1. Đối tượng nghiên cứu: - Pháp luật về BHTN mà cụ thể là Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; - Sự trục lợi của NLĐ và NSDLĐ về chế độ BHTN;
  17. 19 5.2. Không gian nghiên cứu: Các tình huống trục lợi của NLĐ và NSDLĐ ở Việt Nam hiện nay, nhất là các tình huống trục lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 5.3. Thời gian nghiên cứu: Giai đoạn 10 năm, từ năm 2010 đến nay. 6. Phương pháp nghiên cứu đề tài: Trong chương 1 tác giả sẽ sử dụng các phương pháp: Phương pháp nghiên cứu tài liệu; Phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh, quy nạp, diễn giải; để làm rõ cơ sở pháp lý về Bảo hiểm thất nghiệp. Trong chương 2 tác giả sẽ sử dụng các phương pháp: Phương pháp định tính và định lượng; Phương pháp thống kê toán học; Phương pháp điều tra xã hội học; Phương pháp phỏng vấn chuyên gia, để xác định và thống kê các tình huống trục lợi chính sách BHTN. Trong chương 3 tác giả sẽ sử dụng các phương pháp: Phương pháp tìm lỗi; Phương pháp lựa chọn giải pháp thông qua so sánh hiệu quả, để lựa chọn và đề ra các giải pháp. 7. Kết cấu đề tài: Ngoài phần mở đầu và các phụ lục, đề tài gồm có ba chương chính, chương 1 là nội dung cơ sở pháp lý về BHTN và nhận diện hành vi trục lợi BHTN. Trong chương 2, thông qua thực tiễn tại tỉnh Ninh Thuận, tác giả sẽ trình bày pháp luật chống trục lợi BHTN và tình hình trục lợi đã diễn ra trên cả nước nói chung và tại địa bàn Ninh Thuận nói riêng. Với chương 3, tác giả kiến nghị các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trục lợi BHTN thông qua các đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện.
  18. 20 Chương 1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ BHTN VÀ NHẬN DIỆN HÀNH VI TRỤC LỢI BHTN 1.1. Cơ sở pháp lý về Bảo hiểm thất nghiệp: 1.1.1. Khái quát về Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam 1.1.1.1. Khái niệm về Bảo hiểm thất nghiệp Thuật ngữ “Bảo hiểm thất nghiệp” gồm hai thành tố: “bảo hiểm” và “thất nghiệp”. Để làm rõ khái niệm BHTN là gì, chúng ta thử tìm hiểu từng thành tố được định nghĩa như thế nào? Bảo hiểm4 là trợ giúp hay đền bù về vật chất khi đau ốm, tai nạn, trong trường hợp đương sự tham gia hoạt động bảo hiểm. Dưới góc độ kinh tế học, bảo hiểm là một hệ thống các quan hệ kinh tế điều chỉnh sự hình thành, việc phân phối và sử dụng quỹ bảo hiểm - nhằm xử lý các rủi ro, biến cố xảy ra. Bằng cách mỗi người trong cộng đồng có thể gặp rủi ro cùng loại - cùng nhau đóng góp một khoản phí vào quỹ chung, khi có một người hay nhóm người gặp rủi ro, bảo hiểm sẽ bù đắp thiệt hại (về tài chính, tài sản, nhân mạng, ) cho họ bằng một khoản tiền mặt. Thông qua phí bảo hiểm, bảo hiểm được xem như là một công cụ chuyển giao các rủi ro tiềm năng từ một cá nhân sang cộng đồng một cách công bằng. Thất nghiệp5 là không có việc làm để sinh sống. Trong kinh tế học, thất nghiệp được hiểu là tình trạng NLĐ muốn có việc làm mà không tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số NLĐ không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội tại một thời điểm. Thất nghiệp chính là hệ quả của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Như vậy, BHTN được hiểu một cách đơn giản là một khoản bù đắp tài chính cho NLĐ gặp rủi ro khi bị mất việc làm. Ở Việt Nam hiện nay, BHTN là một chế độ dành cho NLĐ được quản lý, điều hành và triển khai thực hiện bởi ngành LĐTBXH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 4 Theo Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, NXB ĐH Quốc gia TPHCM năm 2011, trang 78 5 Theo Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, NXB ĐH Quốc gia TPHCM năm 2011, trang 1484
  19. 21 Sau khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp tập trung sang nền kinh tế thị trường và bước vào hội nhập với kinh tế thế giới, bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế – xã hội, thì tình trạng thất nghiệp đang là một trong những vấn đề nan giải và hết sức bức xúc ở nước ta. Hàng năm cả nước có hơn 01 triệu người bước vào tuổi lao động, số lượng lao động trong độ tuổi mỗi năm tăng thêm hơn 400 ngàn người6, nhưng khả năng đáp ứng vị trí việc làm của nền kinh tế lại có hạn. Bên cạnh đó, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận không nhỏ NLĐ do nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị mất việc làm, đời sống khó khăn, ảnh hưởng đến ASXH. BHTN ra đời để góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho NLĐ được học nghề, tìm việc làm mới. BHTN giúp giảm gánh nặng chi cho ngân sách Nhà nước và DN7. BHTN không những hỗ trợ một khoản tài chính để NLĐ đảm bảo ổn định cuộc sống trong thời gian mất việc mà còn thông qua các hoạt động tư vấn - giới thiệu việc làm, đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp nhằm giúp cho NLĐ thất nghiệp sớm tìm được việc làm mới ổn định và phù hợp. Vậy, Bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm đảm bảo những quyền lợi mà NLĐ có tham gia sẽ được hưởng khi thất nghiệp. Quyền lợi BHTN mà NLĐ sẽ nhận là được trả tiền mặt khi mất việc. Ngoài ra, còn bao gồm cả BHYT và hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trong quãng thời gian NLĐ tìm công việc mới. 1.1.1.2. Ý nghĩa của Bảo hiểm thất nghiệp BHTN không chỉ là công cụ giải quyết vấn đề thất nghiệp trong xã hội mà còn là chính sách giúp ổn định xã hội một cách tốt nhất. Đồng thời, BHTN có chức năng bảo vệ, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho NLĐ và giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường việc làm. Bên cạnh đó, BHTN còn có chức năng hạn chế “sự ỷ lại” của NLĐ vào các chính sách ASXH của Nhà nước, khuyến khích họ chăm chỉ làm việc, sẵn sàng làm việc. 6 Nguồn số liệu từ “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam” quý I/2019, do Bộ LĐTBXH công bố ngày 10/7/2019 7 Trước khi có BHTN, NLĐ mất việc nhận trợ cấp mất việc làm từ ngân sách hoặc từ NSDLĐ
  20. 22 Ngoài những lợi ích nêu trên thì BHTN vừa đóng vai trò quan trọng đối với DN, vừa đóng vai trò tối ưu đối với Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề xã hội. Nhờ có BHTN, khi NLĐ bị mất việc, chủ doanh nghiệp không tốn phí trợ cấp thôi việc cho NLĐ nên họ sẽ tiết kiệm chi phí và chủ động trong sử dụng nguồn lao động, tạo động lực phát triển sản xuất. Cũng nhờ có BHTN mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước được giảm bớt khi có thất nghiệp xảy ra. 1.1.2. Chế độ Bảo hiểm thất nghiệp Pháp luật về BHTN được quy định cụ thể tại các văn bản: Luật Việc làm năm 2013; Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH. Theo đó: 1.1.2.1. Đối tượng tham gia Người lao động và người sử dụng lao động theo Điều 43, Luật Việc làm năm 20138. Loại trừ các đối tượng không thuộc diện tham gia sau đây: - Những người đang hưởng lương hưu hàng tháng hoặc đang nhận trợ cấp mất sức lao động hàng tháng nhưng tiếp tục có sự giao kết HĐLĐ với NSDLĐ9. - NLĐ là giúp việc gia đình. - Công chức10. - Chủ doanh nghiệp. 8 Điều 43, Luật Việc làm 2013, “Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: (a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;(b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;(c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này”. 9 “Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.” 10 “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP.
  21. 23 - NLĐ là công dân nước ngoài11. 1.1.2.2. Mức đóng - NLĐ: Đóng bằng 1% số tiền lương, tiền công hàng tháng theo HĐLĐ (do NSDLĐ trích nộp thay). - NSDLĐ: Đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công theo HĐLĐ của những NLĐ đang tham gia BHTN. Đồng thời còn phải trích tiền lương, tiền công của từng NLĐ để cùng đóng một lúc vào Quỹ BHTN. - Đối với Nhà nước: Hỗ trợ từ 0,5 - 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những NLĐ tham gia BHTN, được trích từ ngân sách và mỗi năm sẽ chuyển một lần vào Quỹ BHTN. 1.1.2.3. Điều kiện hưởng Người lao động quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013 đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ bốn điều kiện sau đây: (1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (gọi chung là HĐLĐ), trừ hai trường hợp: - NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; - Chấm dứt HĐLĐ để hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. (2) Đã đóng BHTN từ đủ: - 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với các loại HĐLĐ có xác định và không xác định thời hạn; - 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với các loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. (3) Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm DVVL. (4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ sáu trường hợp: - Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; 11 Người lao động là công dân nước ngoài Luật chưa điều chỉnh.
  22. 24 - Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; - Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; - Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; - Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; - NLĐ chết. 1.1.2.4. Chế độ hưởng - Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng: + Tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. + Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ. - Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN: + Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng TCTN. + Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. - Thời điểm hưởng TCTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 của Luật Việc làm12. 1.2. So sánh với Bảo hiểm thất nghiệp của một số nước trên thế giới 1.2.1. Bảo hiểm thất nghiệp ở Hoa Kỳ Tháng 8-1935, vấn để BHTN mới được đề cập đến trong Luật BHXH của Hoa Kỳ13. Theo Luật này, bảo hiểm và TCTN là nhiệm vụ của chính quyền liên bang và chính quyền các bang, nhằm bù đắp một phần tiền công cho NLĐ có mua bảo hiểm cho thời gian bị mất việc làm (mà không phải do lỗi của họ). Luật chỉ đưa 12 Khoản 1, Điều 46 của Luật Việc làm “Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập”. 13 “Bảo hiểm thất nghiệp ở Mỹ”, Trịnh Trọng Nghĩa, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, T. 388, S. 9 (2010)