Luận văn Sự phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam

pdf 70 trang vuhoa 25/08/2022 5680
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Sự phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfluan_van_su_phat_trien_mo_hinh_quan_tri_cong_ty_co_phan_o_vi.pdf

Nội dung text: Luận văn Sự phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT BÙI THỊ BÍCH SỰ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI - 2015
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT BÙI THỊ BÍCH SỰ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM Chuyên ngành : Luật kinh tế Mã số : 60 38 01 07 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Cán bộ hướng dẫn khoa khọc: PGS. TS Ngô Huy Cương XÁC NHẬN CỦA CTHĐ XÁC NHẬN CỦA GVHD HÀ NỘI - 2015
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi xin chân thành cảm ơn! Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2015 Tác giả luận văn Bùi Thị Bích
  4. LỜI CẢM ƠN Luận văn là kết quả quá trình học tập, nghiên cứu ở nhà trường, kết hợp với kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn công tác, với sự cố gắng nỗ lực của bản thân. Lời đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới PGS.TS Ngô Huy Cương là người trực tiếp hướng dẫn khoa học, đã tận tình hướng dẫn cho tôi cả chuyên môn và phương pháp nghiên cứu và chỉ bảo cho tôi nhiều kinh nghiệm trong thời gian thực hiện đề tài. Tôi xin chân thành cám ơn các thầy, cô giáo trong Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và bạn bè đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập cũng như trong quá trình hoàn thành luận văn này. Sau cùng, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến gia đình đã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt quá trình học cũng như thực hiện luận văn. Mặc dù với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi mong nhận được sự góp ý chân thành của các Thầy Cô, đồng nghiệp và bạn bè để luận văn được hoàn thiện hơn. Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2015 Tác giả luận văn Bùi Thị Bích
  5. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN LỜI CẢM ƠN DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT LỜI MỞ ĐẦU 1 1. Sự cần thiết nghiên cứu của đề tài 1 2. Tình hình nghiên cứu đề tài 2 3. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài 3 4. Phương pháp nghiên cứu đề tài Luận văn 4 5. Bố cục của Luận văn 4 Chương 1: KHÁI LUẬN VỀ CÁC MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN 5 1.1. Khái luận về các mô hình quản trị công ty cổ phần 5 1.1.1. Khái niệm, bản chất và đặc điểm của công ty cổ phần 5 1.1.2. Khái niệm và vai trò của quản trị công ty công ty cổ phần 7 1.1.3. Phân loại các mô hình quản trị công ty cổ phần trên thế giới 10 1.2. Định hình các giai đoạn lịch sử phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam 13 1.2.1. Khái quát chung về lịch sử phát triển công ty cổ phần và mô hình quản trị công ty cổ phần 13 1.2.2. Phân chia các giai đoạn lịch sử phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam 19 Chương 2: NỘI DUNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ 22 2.1. Mô hình quản trị công ty cổ phần trong giai đoạn thứ nhất 22 2.2. Mô hình quản trị công ty cổ phần trong giai đoạn thứ hai 24 2.2.1. Mô hình quản trị công ty cổ phần theo Luật Công ty 1990 24
  6. 2.2.2. Mô hình quản trị công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 1999 30 2.2.3. Mô hình quản trị công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2005 41 2.3. Mô hình quản trị công ty cổ phần giai đoạn thứ ba 42 Chương 3: BÀI HỌC LỊCH SỬ VÀ CÁC KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN 50 3.1. Bài học lịch sử 50 3.2. Các kiến nghị liên quan 53 3.2.1. Các yếu tố ảnh hưởng tới mô hình quản trị công ty cổ phần 53 3.2.2. Định hướng hoàn thiện mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam 56 3.2.3. Kiến nghị hoàn thiện mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam 59 KẾT LUẬN 61 TÀI LIỆU THAM KHẢO 62
  7. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT STT Ký hiệu Nguyên nghĩa 1 CHXHCN Cộng hòa xã hội chủ nghĩa 2 CTCP Công ty cổ phần 3 HĐQT Hội đồng quản trị 4 DNTN Doanh nghiệp tư nhân 5 CTTNHH Công ty trách nhiệm hữu hạn 6 ĐHĐCĐ Đại hội đồng cổ đông
  8. LỜI MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết nghiên cứu của đề tài Là một hình thức công ty phổ biến và có vai trò to lớn trong nền kinh tế thị trường, công ty cổ phần đã xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng thế kỷ XIX. Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, mô hình quản trị của loại hình công ty này có nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử, mặc dù nền tảng quan trọng của nó luôn bền vững. Tuy nhiên sự thay đổi mô hình quản trị có ảnh hưởng nhất định tới sự vận hành của loại hình công ty này. Chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi pháp luật thiết lập lại những chế định đã bị xóa bỏ trong lịch sử. Một trong những chế định đó là công ty cổ phần. Song trải qua các đạo luật được ban hành kể từ khi đổi mới như Luật Công ty 1990, Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, và nay là Luật Doanh nghiệp 2014, mô hình quản trị công ty cổ phần có sự biến đổi qua từng đạo luật này. Và sự biến đổi đó có sự khác biệt nhất định so với mô hình quản trị công ty cổ phần đã du nhập từ truyền thống pháp luật của Pháp ở các chế độ cũ của Việt Nam. Thật công bằng mà nói: có phần tích cực xuất hiện trong sự biến đổi đó, song không thiếu những điểm không thích hợp. Thực tế rất nhiều vụ việc tranh chấp liên quan tới quản trị công ty cổ phần nhưng thiếu các giải pháp công bằng của pháp luật xảy ra trong nhiều thập kỷ qua gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh và gây trở ngại đáng kể cho sự phát triển của các công ty cổ phần. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tiến tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, việc hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty cổ phần có một ý nghĩa quan trọng làm cho công ty cổ phần trở thành một công cụ đắc lực cho việc 1
  9. phát triển kinh tế - xã hội. Phân tích, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm lịch sử là việc làm không thể thiếu để góp phần cho việc hoàn thiện này. Vì các lẽ kể trên, tôi xin lựa chọn đề tài “Sự phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam” làm đề tài cho Luận văn thạc sĩ luật học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Chế định quản trị công ty cổ phần nói chung và sự phát triển hay lịch sử của mô hình quản trị công ty cổ phần nói riêng là nội dung quan trọng của pháp luật thương mại, được nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau quan tâm nghiên cứu. Ở những phạm vi và mức độ khác nhau đã có những công trình đề cập đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề lịch sử của chế định mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau: * “Giáo trình luật thương mại - phần chung và thương nhân” của PGS. TS. Ngô Huy Cương được xuất bản tại Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2013. Tại đây tác giả đã đề cập tới mô hình quản trị khác nhau của công ty cổ phần và đôi nét về sự phát triển chế định quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam. * “Chuyên khảo luật kinh tế” của PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa được xuất bản tại Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2004. Trong cuốn chuyên khảo tác giả Phạm Duy Nghĩa có giới thiệu những nét lớn của lịch sử phát triển công ty cổ phần nói chung và mô hình quản trị công ty cổ phần nói riêng ở Việt Nam. * “Giáo trình luật kinh tế Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Như Phát làm chủ biên được xuất bản tại Nxb. Tư pháp, Hà nội, năm 2013 có đề cập sơ lược về lịch sử phát triển công ty cổ phần mà qua đó có thể thấy đôi nét về mô hình quản trị công ty cổ phần. 2
  10. * “Giáo trình luật thương mại” do TS. Bùi Ngọc Cường làm chủ biên được xuất bản tại Nxb. Giáo dục, Hà nội, năm 2008. Giáo trình đã khái lược về lịch sử pháp luật Việt Nam về công ty cổ phần. * “Luật thương mại Việt Nam dẫn giải” do nhóm hoạch định bao gồm Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân đồng tác giả được xuất bản tại Sài Gòn năm 1972. Trong công trình này, các tác giả đã nêu khá rõ về lịch sử phát triển công ty cổ phần ở Việt Nam dưới các chế độ cũ và qua đó có nhiều vấn đề liên quan tới quản trị công ty cổ phần. Những công trình kể trên đã có những đóng góp nhất định cho khoa học pháp lý Việt Nam. Tác giả luận văn kế thừa những đóng góp khoa học đó trong quá trình viết Luận văn. Tuy nhiên, đề tài mà tác giả nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về sự phát triển của mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam, nên mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Luận văn không trùng lặp hoàn toàn với các công trình đã công bố nêu trên. Do đây là một đề tài chuyên sâu về pháp luật Việt Nam trong một phạm vi hẹp nên chưa có một công trình nào liên quan được nghiên cứu ở nước ngoài. 3. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài 3.1 Mục tiêu nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của đề tài Luận văn là làm rõ những nét đại cương về các mô hình quản trị công ty cổ phần trên thế giới để phân loại các mô hình quản trị đã từng có ở Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, nêu và đánh giá những mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam qua các giai đoạn, đồng thời rút ra bài học cho việc xây dựng và thi hành pháp luật liên quan. 3.2. Đối tượng nghiên cứu của đề tài Luận văn Luận văn chỉ nghiên cứu những vấn đề pháp lý, không đi sâu nghiên cứu các vấn đề kinh tế, xã hội liên quan tới từng mô hình quản trị công ty cổ phần. 3
  11. 3.3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài Luận văn Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ luật học và giới hạn về thời gian, Luận văn chỉ nghiên cứu những vấn đề liên quan trực tiếp tới mô hình quản trị công ty cổ phần chủ yếu qua các văn bản pháp luật thực định và các tài liệu luận giải chúng. Luận văn không phân tích sâu các ưu khuyết của các văn bản này thông qua thực tiễn áp dụng hay điều tra xã hội học và phỏng vấn chuyên gia. Luận văn không đi sâu nghiên cứu các cách thức và con đường du nhập mô hình quản trị công ty cổ phần của các nước trên thế giới vào Việt Nam. Luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu văn bản qui phạm pháp luật thể hiện sự tổng kết phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần của giai đoạn đó. 4. Phương pháp nghiên cứu đề tài Luận văn Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung của khoa học xã hội, như: phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp phân tích, phương pháp lịch sử Các phương pháp nghiên cứu đặc thù của khoa học pháp lý được Luận văn sử dụng bao gồm: phương pháp phân tích quy phạm pháp luật, phương pháp so sánh pháp luật, phương pháp mô hình hóa các quan hệ xã hội Mỗi phương pháp như vậy được tác giả vận dụng phù hợp với từng nội dung cụ thể trong Luận văn. 5. Bố cục của Luận văn Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được cấu trúc bao gồm ba chương: Chương 1: Khái luận về các mô hình quản trị công ty cổ phần. Chương 2: Nội dung của sự phát triển các mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Chương 3: Bài học lịch sử và những kiến nghị liên quan. 4
  12. Chương 1 KHÁI LUẬN VỀ CÁC MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN 1.1. Khái luận về các mô hình quản trị công ty cổ phần 1.1.1. Khái niệm, bản chất và đặc điểm của công ty cổ phần Có lẽ khó có thể tưởng tượng được rằng trong một nền kinh tế thị trường tại một nước nào đó lại vắng bóng công ty cổ phần. Để tán dương vai trò, vị trí và ý nghĩa của công ty cổ phần trong kinh tế thị trường người ta vẫn nói công ty cổ phần cùng với công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng nên chế độ tư bản ở các quốc gia Âu, Mỹ [6, tr. VIII]. Công ty cổ phần là một loại hình công ty hoàn bị nhất xét từ giác độ tổ chức kinh doanh, hiệu quả kinh tế, khả năng huy động vốn và tính xã hội hóa Nó là một loại hình công ty phổ biến hiện nay, có sức lan tỏa rộng khắp, kể cả ngoài phạm vi một quốc gia, và có qui mô kinh doanh từ nhỏ cho tới rất lớn. Có những công ty có tính cách toàn cầu và có lượng cổ đông lên tới vài triệu người ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Ví dụ như công ty IBM có hơn 3 triệu cổ đông. Công ty cổ phần hiện nay được tổ chức để kinh doanh đủ loại ngành nghề trừ một số ngành nghề mà đòi hỏi nhân thân của thành viên là một yếu tố quan trọng của kinh doanh như dịch vụ luật sư, khám chữa bệnh Công ty cổ phần manh nha từ thời La Mã cổ đại, song chỉ phát triển từ giai đoạn đầu của nền kinh tế công nghiệp khi mà nhà tư bản đòi hỏi mở rộng kinh doanh cần có nguồn vốn lớn hơn, và muốn hạn chế rủi ro của mình (có nghĩa là không muốn chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty), và không cần thiết phải trực tiếp tham gia điều hành công ty, đồng thời mong muốn dễ dàng chuyển nhượng được phần góp vốn của mình. Công ty cổ phần là loại hình công ty đáp ứng được nhiều nhất các đòi hỏi này, khác với các loại hình công ty truyền thống của thương nhân như công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. 5
  13. PGS. TS Ngô Huy Cương cho rằng: Khó có thể đưa ra một định nghĩa hoàn hảo về công ty cổ phần mà có thể làm thoả mãn mọi người, vì vậy cách thức tốt nhất để nắm được khái niệm về công ty cổ phần là nêu và phân tích các đặc điểm của nó [3, tr. 218]. Ông quan niệm công ty cổ phần có bốn đặc điểm là: (1) công ty cổ phần là loại công ty đối vốn, thuộc chế độ trách nhiệm hữu hạn; (2) công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức quản trị chặt chẽ mà trong đó mỗi cơ quan đều có quyền hạn riêng; (3) công ty cổ phần được phép phát hành chứng khoán; và (4) các thành viên hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân và bản thân công ty mới là thương nhân [3, tr. 218 - 129]. Trên thế giới, việc nhận thức về công ty cổ phần khá đồng nhất. Tuy nhiên khi giới thiệu các đặc điểm chủ yếu của công ty cổ phần thì đôi khi chúng ta thấy có đôi điểm khác biệt bởi chúng được khái quát không giống nhau. Chẳng hạn Robert Charles Clark cũng quan niệm công ty cổ phần có bốn đặc điểm cơ bản nhưng không hoàn toàn trùng với bốn đặc điểm nêu trên. Các đặc điểm đó bao gồm: Tính trách nhiệm hữu hạn của cổ đông; phần góp vốn vào công ty có thể dễ dàng chuyển nhượng; công ty có tư cách pháp nhân độc lập (tách khỏi những người đã thành lập nó, liên tục tồn tại, có mục đích riêng ); và công ty được quản lý tập trung [11, tr. 23]. Các đặc điểm của công ty cổ phần, dù được diễn giải như thế nào, bao giờ cũng có đặc điểm liên quan tới quản trị công ty. Vì vậy có thể coi quản trị công ty cổ phần có vai trò quan trọng và là một đặc trưng để phân biệt giữa công ty cổ phần và các hình thức công ty khác. Do số lượng của cổ đông của công ty cổ phần lên tới hàng triệu người, nên khó có thể quản lý công ty cổ phần theo cách truyền thống là thành viên hoặc các thành viên của công ty trực tiếp quản trị công ty như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn. Chẳng hạn một công ty cổ phần có khoảng 100.000 cổ đông và tất cả các cổ đông này đều tham gia quản trị trực tiếp công ty thì 6
  14. rõ ràng công ty không thể hoạt động được. Vì vậy đối với công ty cổ phần người ta thường phân tách khá rạch ròi giữa chức năng của chủ sở hữu công ty và chức năng của người quản lý, điều hành công ty, có nghĩa là chuyên môn hóa hoạt động của các bộ máy trong công ty. Từ đó các mô hình quản trị công ty cổ phần ra đời hoàn toàn liên quan tới sự phân tách các chức năng này. Tuy nhiên để xem xét bản chất pháp lý của các mô hình quản trị công ty cổ phần khác nhau, cần phải xem xét bản chất pháp lý của công ty cổ phần. Theo PGS. TS Ngô Huy Cương, công ty có bản chất là một hành vi pháp lý, có nghĩa là công ty một thành viên là một hành vi pháp lý đơn phương, còn công ty nhiều thành viên là một hợp đồng [4, tr. 25]. Như vậy công ty cổ phần có bản chất pháp lý là một hợp đồng. Chính vì vậy cơ cấu quản trị công ty cổ phần là một hợp đồng. Thông thường nó được qui định trong Điều lệ công ty theo các qui định của pháp luật. Nhiều quan niệm cho rằng quản trị công ty cổ phần do pháp luật qui định. PGS. TS Ngô Huy Cương giải thích: công ty ra đời bởi ý chí đơn phương hoặc bởi sự thống nhất ý chí của các sở hữu chủ của công ty, còn pháp luật chỉ có vai trò hỗ trợ chứ pháp luật không thể buộc ai đó phải góp vốn để thành lập công ty nếu họ không muốn [3, tr. 170]. Bởi thế theo logic quản trị công ty là hệ quả của hợp đồng hay mang bản chất hợp đồng, tuy nhiên phải theo các qui định chặt chẽ của pháp luật để bảo đảm cho công ty hoạt động có hiệu quả như trên đã nói, đồng thời bảo vệ cho quyền lợi của các cổ đông. 1.1.2. Khái niệm và vai trò của quản trị công ty công ty cổ phần Quản trị công ty cổ phần có vai trò rất quan trọng bởi một số lý do xuất phát từ sự khác biệt về hình thức công ty này so với các hình thức công ty khác như công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Các lý do đó bao gồm: 7
  15. Thứ nhất, trong công ty cổ phần có sự tách bạch giữa chức năng của chủ sở hữu và chức năng của quản trị công ty. Các cổ đông trong công ty cổ phần thường không trực tiếp điều hành các hoạt động kinh doanh thường nhật của công ty. Do đó có thể dẫn tới tình huống có vấn đề là người quản trị điều hành công ty trái với những lợi ích của chủ sở hữu công ty. Người điều hành có thể theo đuổi các lợi ích riêng của mình, có thể tiến hành các giao dịch gây thiệt hai cho công ty. Thứ hai, giữa các chủ sở hữu của công ty và người quản trị công ty có sự bất cân xứng về thông tin. Rõ ràng các cổ đông (chủ sở hữu công ty) không có được những thông tin trực tiếp, chính xác như những người tham gia vào quản trị công ty bởi họ là những người làm việc trực tiếp hàng ngày liên quan tới hoạt động kinh doanh của công ty. Sự bất cân đối về thông tin này có thể dẫn tới sự lạm quyền của người quản trị và dẫn tới các thiệt hại của các cổ đông. Thứ ba, những ngành nghề kinh doanh hiện đại và việc mở rộng qui mô kinh doanh, cũng như nhu cầu gọi vốn lớn đòi hỏi sự chuyên môn hóa sâu sắc và tính công khai, minh bạch trong quản trị công ty cổ phần. Quản trị công ty cổ phần tốt sẽ đảm bảo được lợi ích cho các cổ đông và tất cả những người liên quan, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Quản trị công ty cổ phần tốt có thể làm tăng hiệu quả vốn đầu tư, làm tăng lợi nhuận của cổ đông, làm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và sẽ làm tăng giá của công ty (cổ phần). Yêu cầu về tính minh bạch trong các giao dịch của công ty, trong chế độ kế toán và kiểm toán, làm hạn chế những giao dịch không lành mạnh. Điều này góp phần làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ, lành mạnh hóa thị trường vốn, khuyến khích các hoạt động đầu tư. Quản trị tốt góp phần giúp công ty xây dựng chiến lược, chính sách minh bạch và rõ ràng. Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, các quốc gia có hệ 8
  16. thống quản trị công ty cổ phần bảo vệ cổ đông thiểu số một cách thích đáng, thì có cơ may huy động được các nguồn vốn lớn và ổn định. Có nhiều định nghĩa khác nhau về quản trị công ty cổ phần. Có quan niệm rằng: “Xét ở góc độ toàn diện, quá trình quản lý, điều hành công ty cổ phần bao gồm tất cả những ảnh hưởng liên quan đến quá trình ra quyết định của công ty. Đó không chỉ bao gồm quyền kiểm soát của các cổ đông, mà còn là những hợp đồng và quyền nộp xin đơn phá sản của các chủ nợ, những cam kết với người lao động, các khách hàng và nhà cung ứng, các quy định của cơ quan nhà nước ban hành, những đạo luật do cơ quan nhà nước thông qua. Ngoài ra, các quyết định của công ty còn chịu ảnh hưởng lớn từ sự cạnh tranh ngoài thị trường nơi nó hoạt động” [13, tr. 12]. Đây có thể xem là một định nghĩa rộng nhất về quản trị công ty cổ phần bao trùm hầu hết các mối quan hệ công ty. Có định nghĩa hẹp hơn cho rằng: Quản trị công ty cổ phần được hiểu là “các mối quan hệ giữa Ban giám đốc, các cổ đông và những chủ thể khác có liên quan của công ty. Mối quan hệ này hình thành nên cấu trúc (qua nhiều quy tắc và động cơ) để đạt được các mục tiêu mà công ty đặt ra, cách thức để đạt được những mục tiêu đó và xác định cơ chế giám sát việc thực hiện” [13, tr. 12]. Vì vậy, quản trị công ty cổ phần được hiểu là một cơ chế nhằm điều hành và kiểm soát công ty theo đuổi những mục tiêu nhất định, mà trong đó phân định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của các thiết chế như đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc điều hành, ban kiểm soát và các bên có quyền và lợi ích liên quan. Có quan niệm khá gần gũi với đề tài Luận văn này cho rằng quản trị công ty cổ phần là việc tổ chức bộ máy điều hành nội bộ công ty theo mô hình quản trị đơn lớp (one-tier) hoặc song lớp (two-tier) [12, tr. 106]. Tuy nhiên quan niệm này chỉ thích hợp với những người nghiên cứu chuyên sâu về quản 9
  17. trị công ty cổ phần, tức là người ta chỉ hiểu được định nghĩa khi đã có kiến thức nhất định về các mô hình quản trị công ty. 1.1.3. Phân loại các mô hình quản trị công ty cổ phần trên thế giới Hiện nay người ta thường nhắc tới hai cách thức phân loại mô hình công ty cổ phần sau: (1) phân loại mô hình theo xuất xứ địa lý; và (2) phân loại mô hình theo chủ thể và đối tượng quản trị. Các mô hình được phân loại theo xuất xứ địa lý Thứ nhất, mô hình Hoa Kỳ: Mô hình này xuất hiện trên nền tảng thị trường vốn phát triển năng động, sở hữu công ty được chia tách nhỏ lẻ cho nhiều cổ đông khác nhau. Vì cơ cấu sở hữu nhỏ lẻ điều hành công ty chịu sự chi phối nhiều từ các cổ đông. Khi các cổ đông không đồng ý với hoạt động điều hành, thì sẽ “bỏ phiếu bằng chân” (voting by feet). Điều đó có nghĩa là họ bán rẻ cổ phần của mình đi, làm cho giá cổ phần giảm sút, đẩy công ty tới bờ vực phá sản hoặc tạo ra cơ hội để một nhóm cổ đông có quyền lực thâu tóm công ty thay thế, bầu ra ban điều hành mới để quyết định chiến lược, chính sách có hiệu quả hơn. Mô hình quản trị này được gọi là mô hình quản trị đơn lớp “one-tier”. Tại đây có broad of directors (tức là hội đồng quản trị) nhưng không có ban kiểm soát như trong mô hình quản trị song lớp. Trong số các thành viên hội đồng quản trị thường có các thành viên hội đồng quản trị độc lập bên ngoài (outside directors). Hiện nay, mô hình quản trị này đang thịnh hành ở các nước đang chuyển đổi và các nước đang phát triển. Thứ hai, mô hình Nhật Bản: Điểm nổi bật của mô hình này là vai trò rất lớn của các cổ đông là pháp nhân (như ngân hàng, các quỹ, và các công ty lớn ). Các cổ đông kiểu này đóng vai trò trung tâm trong quản trị. Hiện nay người ta tính các ngân hàng ở Nhật Bản nắm giữa hơn 20% số cổ phần của các công ty trong khi đó ở Hoa Kỳ ngân hàng chỉ nắm giữ khoảng vài phần trăm tổng số cổ phần [14, tr. 35]. Trong mô hình Nhật Bản các ngân hàng lớn 10
  18. thường được ủy quyền thay mặt cổ đông giám sát, quản lý các công ty, xem xét các kế hoạch của công ty. Trong trường hợp công ty làm ăn yếu kém thì những ngân hàng được ủy quyền thường can thiệp và có thể buộc công ty thay bộ máy điều hành hoặc buộc công ty sửa đổi các chiến lược kinh doanh, chính sách cũ. Các công ty thường sở hữu chéo nhau trở thành các “Keiretsu”. Việc sở hữu cổ phần lẫn nhau giữa các công ty có mối liên hệ làm ăn được thống lĩnh bởi ngân hàng lớn tạo nên một khối gắn kết các cổ đông thân thiện và lâu bền. Quyền lực trong công ty nằm trong tay tổng giám đốc thực hiện qua các ủy ban quản trị. Các phiên họp của hội đồng quản trị thường mang tính chất phê chuẩn bởi các cổ đông nhỏ lẻ được bảo đảm quyền lợi ổn định bởi cổ đông lớn nên không quan tâm nhiều tới điều hành công ty. Thứ ba, mô hình Đức: Trong mô hình này bên cạnh hội đồng quản lý, điều hành công ty có hội đồng giám sát. Đây là điển hình của mô hình song lớp (two-tier). Trong hội đồng quản lý của công ty chỉ có các thành viên bên trong. Còn trong hội đồng giám sát còn có cả các đại diện khác và các thành viên bên ngoài công ty. Mô hình này theo qui tắc cùng tham gia điều hành của người lao động, có nghĩa là đại diện người lao động có vai trò quan trọng trong quản trị công ty. Người lao động có thể tham gia 1/3 ghế trong hội đồng giám sát được áp dụng cho các công ty cổ phần có hơn 500 lao động hoặc 1/2 ghế trong hội đồng giám sát công ty được áp dụng cho ngành công nghiệp than và thép, hoặc người lao động tham gia gần như bình đẳng được áp dụng cho những công ty có nhiều hơn 2000 công nhân [10]. Hội đồng giám sát có hai chức năng chủ yếu là chỉ định và bãi miễn các thành viên của hội đồng quản lý; và giám sát hoạt động quản lý. Thứ tư, mô hình Pháp: Trong mô hình này nhà nước có vai trò quan trọng đối với quản trị công ty. Chính sách hướng dẫn thương nhân đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hành của các công ty cổ phần. Trong công ty 11
  19. có thể có các công chức nhà nước làm việc cho công ty, rồi có thể quay trở về làm công chức. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần rất có thế lực, có thể quyết định chiến lược của công ty hoặc thực hiện việc kiểm tra các hoạt động của công ty mà không gặp phải sự phản đối nào từ bất kỳ ai trong hội đồng quản trị bởi vị quan chức công ty này có thể chọn thành viên hội đồng quản trị, ấn định chương trình nghị sự trong các phiên họp của hội đồng đồng quản trị. Nửa sau thế kỷ XX, công ty cổ phần ở Pháp có thể lựa chọn mô hình quản trị đơn lớp hoặc song lớp. Đa số các công ty cổ phần ở Pháp theo mô hình đơn lớp. Trong mô hình này chỉ có hội đồng quản trị có ít nhất ba người và nhiều nhất không quá 12 người. Trong số thành viên này có thể có một đại diện của ban giám đốc và một đại diện của người lao động. Tuy nhiên những thành viên này không phải là những thành viên chính thức. Còn theo mô hình song lớp, công ty có một ủy ban chấp hành và một hội đồng giám sát. Trong hội đồng giám sát có cổ đông công ty cùng những chuyên gia tư vấn, đại diện các ngân hàng và đối tác kinh doanh. Có nhiều thành viên của hội đồng này không bổ nhiệm theo điều lệ mà bổ nhiệm theo pháp luật. Hội đồng giám sát bổ nhiệm giám đốc hay thành viên của ban giám đốc. Cổ đông của công ty cổ phần theo mô hình quản trị công ty của Pháp không có vai trò gì đáng kể. Nhà nước, ngân hàng và các công ty đối tác lớn hầu như nắm phần quản trị công ty. Các mô hình được phân loại theo định hướng chủ yếu (1) Mô hình hướng vào nhà nước: Tại mô hình này sự can thiệp của nhà nước được đặc biệt đề cao bởi muốn tránh khỏi những khiếm khuyết lớn của kinh tế thị trường đối với công ty cổ phần. Nó xuất hiện nhiều ở một số nước sau chiến tranh hoặc sau các cuộc đại khủng hoảng. Mô hình này đã thành công ở Nhật Bản và ở một số nước châu Á khác trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Tuy nhiên mô hình này có nhiều khuyết điểm là vai trò 12
  20. của cổ đông bị giảm sút nghiêm trọng và dễ dẫn đến tham nhũng bởi các công cụ quản trị nằm bên ngoài công ty như tín dụng, ngoại hối, cấp phép (2) Mô hình hướng vào nhà quản lý: Mô hình này tập trung quyền cho các nhà quản lý chuyên nghiệp vì cho rằng họ có thể điều hành công ty tốt nhất lợi ích chung. Mô hình này phát triển ở Hoa Kỳ vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước và được ghi nhận vào pháp luật. Tuy nhiên, khiếm khuyết của mô hình này là nhà quản lý thường theo đuổi mục đích riêng và chi phí quá lớn cho các hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận. (3) Mô hình hướng vào cổ đông: Mô hình này tập trung bảo vệ các cổ đông, nhất là các cổ đông thiểu số. Nếu không làm như vậy thì công ty cổ phần sẽ khó huy động vốn và các cổ đông kiểm soát thực tế công ty có thể không vì lợi ích chung mà chỉ hướng tới hưởng lợi không công bằng có thể bởi sự lựa chọn đầu tư kém hiệu quả vào các hoạt động khác. Trên đây là các mô hình quản trị công ty cổ phần chủ yếu đã được thực hiện trong thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phụ thuộc vào các hoàn cảnh cụ thể mà từng mô hình đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên mỗi mô hình đều có những nhược điểm. Do đó khi thiết lập qui chế quản trị công ty cổ phần trong pháp luật, mỗi quốc gia đều cân nhắc giữa các mô hình này thuận theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội và hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. 1.2. Định hình các giai đoạn lịch sử phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam 1.2.1. Khái quát chung về lịch sử phát triển công ty cổ phần và mô hình quản trị công ty cổ phần Công ty cổ phần còn được gọi là công ty vô danh và xuất hiện lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam tại Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931. Được gọi là hội vô danh (công ty vô danh) theo Bộ luật này bởi không tên một thành viên 13
  21. nào của hội được gắn vào tên hội như các hội đối nhân (công ty đối nhân) theo truyền thống pháp luật về công ty của các nước trên thế giới, và vốn của hội được chia thành các cổ phần. Người nắm giữ cổ phần được gọi là các cổ đông. Mỗi một cổ phần mang lại cho cổ đông một quyền lợi trong hội [3, tr. 217 – 218]. Trước đó, trên thế giới, công ty cổ phần đã manh nha từ thời La Mã cổ đại. Theo PGS. TS Ngô Huy Cương, các thực thể như sodalitas, universitas, collegium, societas từ thời cộng hòa La Mã cho tới khái niệm persona ficta theo Luật Giáo hội ở thế kỷ XIII đã góp phần tạo lập nên một thực thể hiện đại mà với nó có ba vấn đề pháp lý lớn phát sinh. Đó là: (1) Có sự chia tách giữa thực thể nhân tạo này với các tự nhiên nhân cấu thành nên nó; (2) giới hạn tố quyền chống lại tự nhiên nhân đối với tài sản của họ; và (3) đặt cơ sở cho tố quyền chống lại thực thể nhân tạo đối với tài sản riêng của bản thân nó [3, tr. 217]. Đặc biệt tới thời kỳ đầu của nền kinh tế công nghiệp, công ty cổ phần phát triển nhanh chóng thành một hình thức công ty phổ biến và quan trọng. Nó góp phần rất lớn vào việc huy động vốn, tích tụ vốn để phát triển công nghiệp và thương mại, và hạn chế bớt các rủi ro cho những nhà đầu tư, đồng thời xã hội hóa các hoạt động kinh doanh. Công ty cổ phần xuất hiện đầu tiên trên thế giới là công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh (1600-1874) được thành lập bởi một nhóm gồm 218 người, và được cấp phép độc quyền kinh doanh ở vùng Đông Ấn, châu Á, châu Phi. Tầu thuyền của công ty này được quyền qua lại tất cả các hải cảng ở châu Á, châu Phi và Mỹ hay nơi nào nằm ngoài Mũi Hảo Vọng và Eo biển Magellan. Công ty đầu tiên này được quản trị và vận hành rất sơ sài. Có một mô tả rằng: “Người đầu tư góp vốn theo chuyến đi biển và sau mỗi chuyến đi biển nhận lại vốn cổ phần và tiền lãi” [8, tr.10]. Đến năm 1602, ở Hà Lan xuất hiện các công ty cổ phần theo hình thức tương tự công ty Đông Ấn của Anh, rồi lần lượt công ty cổ phần xuất hiện ở nhiều nước Tây và Bắc 14