Luận văn Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- luan_van_phap_luat_ve_quan_ly_cu_tru_doi_voi_nguoi_nuoc_ngoa.pdf
Nội dung text: Luận văn Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MAI THỊ HỒNG TIẾN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI QUA THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI TỈNH NINH THUẬN LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ Ninh Thuận, tháng 10 năm 2019
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MAI THỊ HỒNG TIẾN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI QUA THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI TỈNH NINH THUẬN LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ MÃ SỐ: 8380107 GVHD: TS. ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP Ninh Thuận, tháng 10 năm 2019
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ này là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Các lý luận, nghiên cứu trong luận văn do tôi tự tìm hiểu, phân tích. Các số liệu, trích dẫn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy, khách quan và chính xác. Đề tài luận văn chưa được công bố trong bất kỳ nghiên cứu nào khác. Ninh Thuận, ngày 28 tháng 10 năm 2019 TÁC GIẢ LUẬN VĂN MAI THỊ HỒNG TIẾN
- MỤC LỤC TRANG PHỤ LỤC BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG TÓM TẮT - ABSTRACT LỜI MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI 6 1.1 Khái niệm về quản lý cư trú đối với người nước ngoài 6 1.1.1 Khái niệm về người nước ngoài và quản lý cư trú đối với người nước ngoài 6 1.1.2 Đặc điểm của quản lý cư trú đối với người nước ngoài 11 1.2 Nguyên tắc quản lý cư trú đối với người nước ngoài 17 1.3 Những yếu tố tác động đến hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài. 20 1.3.1 Các yếu tố bên ngoài 20 1.3.2 Các yếu tố bên trong 21 CHƯƠNG 2: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI TỈNH NINH THUẬN 25 2.1 Quy định pháp luật về quản lý tạm trú đối với người nước ngoài và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận 25 2.1.1 Quy định về chứng nhận tạm trú đối với người nước ngoài 25
- 2.1.2 Quy định về cấp thẻ tạm trú đối với người nước ngoài 33 2.1.3 Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về quản lý tạm trú đối với người nước ngoài tại tỉnh Ninh Thuận. 37 2.2 Quy định pháp luật về quản lý thường trú đối với người nước ngoài và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận 40 2.2.1 Quy định về quản lý thường trú đối với người nước ngoài 40 2.2.2 Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về quản lý thường trú đối với người nước ngoài tại tỉnh Ninh Thuận 46 CHƯƠNG 3: KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI 48 3.1 Thực trạng chung về quản lý cư trú đối với người ngước ngoài 48 3.2 Sự cần thiết hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý cư trú đối với người nước ngoài 51 3.2.1 Xuất phát từ nhu cầu phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 51 3.2.2 Xuất phát từ vướng mắc trong triển khai thi hành 54 3.3 Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý cư trú đối với người nước ngoài trong thời gian tới 55 3.3.1 Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài 55 3.3.2 Một số giải pháp khác 59 KẾT LUẬN 68 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
- DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT 1. Luật NC, XC, QC, CT: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. 2. NG1: Thị thực cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. 3. NG2: Thị thực cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 4. NG3: Thị thực cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ. 5. NG4: Thị thực cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ. 6. LV1: Thị thực cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- 7. LV2: Thị thực cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 8. ĐT: Thị thực cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. 9. DN: Thị thực cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam. 10. NN1: Thị thực cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. 11. NN2: Thị thực cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam. 12. NN3: Thị thực cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam. 13. DH: Thị thực cấp cho người vào thực tập, học tập. 14. HN: Thị thực cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo. 15. PV1: Thị thực cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam. 16. PV2: Thị thực cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam. 17. LĐ: Thị thực cấp cho người vào lao động. 18. DL: Thị thực cấp cho người vào du lịch.
- 19. TT: Thị thực cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam. 20. VR: Thị thực cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác. 21. SQ: Thị thực cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.
- DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 1: Thống kê số lượng giải quyết tiếp nhận khai báo tạm trú tại Ninh Thuận từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2018. Bảng 2: Thống kê số lượng tài khoản đăng ký khai báo tạm trú cho người nước ngoài thông qua Internet từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2018.
- TÓM TẮT Ninh Thuận là một vùng ven biển thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ có nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tình hình dân cư của Ninh Thuận cũng có những nét đặc trưng khi xuất hiện người nước ngoài cư trú và sinh hoạt. Vì vậy, việc nghiên cứu về các quy định của pháp luật về cư trú của người nước ngoài tại Ninh Thuận có những nét đặc trưng riêng giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và cụ thể về tình hình cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thông qua một địa phương cụ thể. Hệ thống pháp luật nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý tốt việc cư trú người nước ngoài tại Việt Nam tuy nhiên, còn có những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Để góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu có liên quan nhưng chủ yếu tập trung làm rõ các quy định của pháp luật, chưa nêu bật được những mặt thuận lợi và khó khăn trong áp dụng những quy định trên vào quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Chính vì những lý do trên nên tác giả chọn đề tài: “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận”. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu, tác giả tập trung nghiên cứu những quy định về quản lý cư trú đối với người nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và tình hình áp dụng pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Ninh Thuận. Nghiên cứu đề tài “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận” một cách toàn diện và khoa học. Qua đó cung cấp những lý luận nền tảng, phục vụ cho công tác nghiên cứu pháp luật đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý để áp dụng trên thực tiễn, góp phần hoàn thiện pháp luật. Tác giả thực hiện đề tài trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuân theo đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, phân tích, tổng hợp để làm rõ những lý luận chung; phương pháp so sánh, phân tích và bình luận để làm rõ những quy định của pháp luật hiện hành, nhận xét, đánh giá những kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế; phương pháp thu thập thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Ninh Thuận và Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an. Phương pháp liệt kê, quy
- nạp, diễn dịch để phân tích số liệu, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời sử dụng phương pháp chuyên gia để đánh giá tính khả thi và tính khoa học của những kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài trong thời gian tới. Hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam là một trong những hoạt động quản lý nhà nước rất quan trọng, mang tính thời đại và đối ngoại cao, góp phần chủ chốt vào chính sách đối ngoại và vị thế của quốc gia trong trường quốc tế. Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu hệ thống lý luận cũng như thực tiễn áp dụng, tác giả rút ra những nhận xét và hướng khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài.
- ABSTRACT Ninh Thuan is a coastal province in the South Central Coast with an expanding society – economy. Its population situation has formed a number of characteristics due to the appearance of foreigners residing and living there. Therefore, the study of general regulations of the laws on the residence of foreigners in Ninh Thuan Province has its own characteristics, giving us a comprehensive and specific view of the residence status of foreigners in Vietnam through a specific region. The legal system of our country has contained many regulations regulating the residence of foreigners in Vietnam, but there are still a number of provisions inappropriate when applying into practice. In order to improve such disadvantage of the regulations on residence management for foreigners in Vietnam, there have been many relevant researches mainly focusing on clarifying the provisions of the laws, without any analysis of the advantages and disadvantages in applying the above provisions to the management of residence for foreigners in Vietnam. As the results, the author has chosen the topic of the thesis as: "Regulations on residence management for foreigners through application in practice in Ninh Thuan Province". Within the scope of this study, the author focuses on studying the regulations on residence management for foreigners under laws of Vietnam and the situation of application of the laws on residence management for foreigners in Ninh Thuan Province. By researching "Regulations on residence management for foreigners through application in practice in Ninh Thuan province" in a comprehensive and scientific manner, the author would like to provide basic theories, supporting for the legal researches as well as providing a legal basis for application in practice, and improving legal system. The author write this thesis on the basis of dialectical materialism of Marxism - Leninism, Ho Chi Minh’s ideology; abiding by the Party and State's guidelines and views on protecting national security and ensuring social order and safety; the combination of research, analysis and synthesis methods to clarify common arguments; the methods of comparison, analysis and commentary to clarify current provisions of the laws, comment on and evaluate the achieved results as well as
- inadequacies and limitations and methods of listing, inducing, interpreting to analyze data, making recommendations to improve the legal system. Concurrently, the author uses the expert method to evaluate the feasibility and scientificity of the recommendations and solutions to improve the management of residence for foreigners in the future. The management of residence for foreigners in Vietnam is one of the vital management activities of the State with a strong period and external nature, making a major contribution to foreign policy and position of the State in the international arena. On the basis of analyzing and studying the theoretical system as well as the practices of application, the author shall make remarks and propose solutions to improve the efficiency of residence management activities for foreigners.
- 1 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Hội nhập kinh tế quốc tế là một yếu tố khách quan trong xu thế toàn cầu hóa. Trong điều kiện hội nhập kinh tế, lao động nước ngoài đến Việt Nam cư trú hiện nay đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bất cứ quốc gia nào phát triển đều phải có chính sách chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường giao lưu hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển đó. Với đường lối đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã thiết lập quan hệ trên hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị. Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước ta, Việt Nam đã thu hút một lượng người nước ngoài đến để du lịch, lao động, thăm thân, định cư đã tạo điều kiện cho việc giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và người nước ngoài phát triển thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa đa dạng. Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, hệ thống pháp luật đã ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý tốt việc lưu trú người nước ngoài tại Việt Nam đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy cho người nước ngoài đến Việt Nam được thuận lợi. Tuy nhiên, còn có những sơ hở, thiếu sót, những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội nên đã tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại địa phương chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Để góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu có liên quan nhưng chủ yếu tập trung làm rõ các quy định của pháp luật, chưa nêu bật được những thuận lợi và khó khăn trong áp dụng những quy định trên vào quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Ninh Thuận là vùng ven biển thuộc Duyên hải Nam Trung bộ có nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tình hình dân cư của Ninh Thuận cũng có những nét đặc trưng khi xuất hiện người nước ngoài cư trú và sinh hoạt. Vì vậy, việc nghiên cứu về
- 2 các quy định của pháp luật về cư trú của người nước ngoài tại Ninh Thuận có những nét đặc trưng riêng giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và cụ thể về tình hình cư trú của người nước ngoài, điển hình là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thông qua một địa phương cụ thể. Chính vì những lý do trên nên tác giả chọn đề tài: “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận”. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu, tác giả tập trung nghiên cứu những quy định về quản lý cư trú đối với người nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và tình hình áp dụng pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Ninh Thuận trong điều kiện địa lý, phong tục tập quán và những vấn đề liên quan đến nhận thức, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây là điều kiện để rà soát lại các quy định của pháp luật về công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài để chỉ ra những điểm vướng mắc trong pháp luật và trong quá trình thực hiện để tìm ra giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với đặc điểm điều kiện kinh tế xã hội. 2. Tình hình nghiên cứu Trên bình diện khoa học, pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài là đề tài cũng đang dần dần được nhiều người quan tâm nghiên cứu, cụ thể: - “Quản lý nhà nước về cư trú của người nước ngoài ở các thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam Việt Nam” của tác giả Vũ Thành Luân, Luận án Tiến sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2016. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả đã có những phân tích chuyên sâu về khái niệm quản lý nhà nước về cư trú đối với người nước ngoài ở Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, tác giả đã đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện có tính khoa học cao, khả thi và hiệu quả trong thực tiễn. - “Quản lý nhà nước về cư trú của người nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội” của tác giả Phạm Đức Chính, Luận văn Thạc sĩ, Học viện khoa học xã hội – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, năm 2018. - “Cư trú, điều kiện cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam – Thực trạng và kiến nghị”, Chuyên đề nghiên cứu khoa học, Viện nghiên cứu lập pháp, năm 2013.
- 3 Chuyên đề đi sâu vào nghiên cứu hoạt động cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam, khái quát hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ thực tiễn áp dụng, nêu ra những khó khăn, hạn chế và bất cập trong hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở đó nêu bật những kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam. - “Đổi mới quản lý nhà nước về cư trú người nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay”, Bài báo nghiên cứu của tác giả Vũ Thành Luân, Tạp chí Công an nhân dân, 2015. Tác giả tổng quát thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về cư trú đối với người nước ngoài trong phạm vi cả nước, chỉ rõ những điểm bất cập của hệ thống pháp luật, từ đó nêu ra những giải pháp hoàn thiện hoạt động này. Các đề tài nêu trên đã phân tích thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, các tác giả cũng đã đưa ra những phương hướng giải quyết cụ thể trong công tác quản lý của nước ta. Từ đó làm cơ sở để tác giả có một đề tài nghiên cứu hoàn chỉnh, toàn diện về hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài theo pháp luật Việt Nam cũng như nêu được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trên thực tiễn. Bên cạnh đó, cùng với việc hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện, các quy định có liên quan đến quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam mang lại thay đổi lớn, chính vì thế, bằng luận văn này tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, khoa học về mặt lý luận của hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài, phân tích rõ khái niệm, nhiệm vụ, đặc điểm của hoạt động này. Từ đó phân tích cụ thể các mặt của quy định pháp luật thực định về hoạt động quản lý cư trú đối với người ngước ngoài và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận. Trên cơ sở đó rút ra những thiếu sót, hạn chế của pháp luật thực định và vướng mắc trong thực tiễn áp dụng để đề xuất hoàn thiện và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
- 4 3. Mục tiêu nghiên cứu Nghiên cứu đề tài “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận” một cách toàn diện và khoa học. Qua đó cung cấp những lý luận nền tảng, phục vụ cho công tác nghiên cứu pháp luật đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý để áp dụng trên thực tiễn, góp phần hoàn thiện pháp luật. 4. Câu hỏi nghiên cứu - Quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý cư trú đối với người nước ngoài được quy định như thế nào? Sự khác biệt trong quản lý cư trú đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam. - Các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý cư trú đối với người nước ngoài có bất cập gì khi áp dụng vào thực tiễn. 5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Đề tài “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận” tập trung nghiên cứu, làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài theo pháp luật Việt Nam; phân tích những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, vướng mắc, khó khăn trong áp dụng quy định của pháp luật; đề xuất những giải pháp theo hướng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. - Phạm vi nghiên cứu: Đề tài “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận” nghiên cứu hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tiến hành từ năm 2015 đến năm 2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 6. Phương pháp nghiên cứu Tác giả thực hiện đề tài trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuân theo đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Để giải quyết các câu hỏi nghiên cứu, phục vụ mục đích nghiên cứu đã đề ra, tác giả sử dụng
- 5 tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, phân tích, tổng hợp để làm rõ những lý luận chung; phương pháp phân tích và bình luận để làm rõ những quy định của pháp luật hiện hành, nhận xét, đánh giá những kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế; phương pháp thu thập thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Ninh Thuận và Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an. Phương pháp liệt kê, quy nạp, diễn dịch để phân tích số liệu, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời sử dụng phương pháp chuyên gia để đánh giá tính khả thi và tính khoa học của những kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện hoạt động quản lý cư trú đối với người nước ngoài trong thời gian tới. 7. Bố cục của luận văn Đề tài với tiêu đề: “Pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài qua thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận” gồm 3 chương như sau: Chương 1: Những vấn đề chung về quản lý cư trú đối với người nước ngoài Chương 2: Quy định của pháp luật hiện hành về quản lý cư trú đối với người nước ngoài và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận Chương 3: Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý cư trú đối với người nước ngoài
- 6 CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI 1.1 Khái niệm về quản lý cư trú đối với người nước ngoài 1.1.1 Khái niệm về người nước ngoài và quản lý cư trú đối với người nước ngoài - Khái niệm người nước ngoài: Hiện nay, có rất nhiều cách tiếp cận thuật ngữ “người nước ngoài” trong khoa học pháp lý ở nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam. Người nước ngoài có thể hiểu theo nghĩa rất rộng, bao hàm: người mang một quốc tịch nước ngoài, người mang nhiều quốc tịch nước ngoài hoặc người không mang quốc tịch nước nào (người không quốc tịch). Ngoài ra, người nước ngoài còn được hiểu là công dân nước ngoài. Trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, dấu hiệu quốc tịch luôn được xem là đặc trưng để định nghĩa người nước ngoài và là căn cứ để xác định người đó là công dân nước nào hoặc là người không thuộc công dân nước nào (người không quốc tịch). Do đó theo một nghĩa hẹp hơn, người nước ngoài được hiểu là người không có quốc tịch của nước mà họ đang cư trú. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, song trong khoa học pháp lý của nước ta từ trước đến nay đều đồng nhất quan điểm về người nước ngoài theo hướng là người không có quốc tịch Việt Nam, tức áp dụng chế định quốc tịch để xác định một người là công dân hay người nước ngoài. Trước đây, khái niệm người nước ngoài cũng đã được Nhà nước đề cập và quy định tại Quyết định số 122/CP ngày 25/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với người nước ngoài cư trú và làm ăn sinh sống ở Việt Nam như sau: “Người nước ngoài gọi tắt là ngoại kiều là những người cư trú và làm ăn sinh sống ở Việt Nam, có quốc tịch nước khác hoặc không có quốc tịch”1. Ngoài ra, người nước ngoài 1 Điều 1 Quyết định số 122/CP ngày 25/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với người nước ngoài cư trú và làm ăn sinh sống ở Việt Nam.
- 7 theo quy định tại Điều 1, Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh nhập cảnh và xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 đều được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam. Tại hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, các quy định về người nước ngoài do nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, trong đó khái niệm người nước ngoài đều được đề cập và phân định rõ ràng tại Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014; sau đây gọi tắt là Luật Quốc tịch) và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sau đây viết gọn là Luật NC, XC, QC, CT). Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch định nghĩa như sau: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”. Luật Quốc tịch không đưa ra trực tiếp khái niệm người nước ngoài mà chỉ đưa ra khái niệm người nước ngoài cư trú ở Việt Nam để thu hẹp phạm vi điều chỉnh. Tại Luật NC, XC, QC, CT, người nước ngoài được xác định là “người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”2. Như vậy, ở đây Luật NC, XC, QC, CT xác định người nước ngoài dựa trên 02 dấu hiệu, gồm dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu hành vi. Tức là, theo pháp luật Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam phải đủ hai điều kiện sau: + Thứ nhất, là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Việc xác định một người có hay không có quốc tịch nước ngoài được căn cứ vào giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài, mà theo Luật NC, XC, QC, CT quy định là các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp, gồm hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu)3. + Thứ hai, người đó phải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. 2 Khoản 1 Điều 3 Luật NC, XC, QC, CT. 3 Khoản 2 Điều 3 Luật NC, XC, QC, CT.
- 8 Như vậy, một người được xem là người nước ngoài theo quy định của Luật NC, XC, QC, CT phải là người có hộ chiếu nước ngoài hoặc không có hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (người không quốc tịch) và họ phải có hành vi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh vào Việt Nam hoặc cư trú ở Việt Nam. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, khái niệm người nước ngoài được hiểu theo Luật NC, XC, QC, CT sẽ được sử dụng để nghiên cứu, phân tích các quy định liên quan. Một điểm đáng lưu ý đó là, trong nghiên cứu khoa học pháp lý, cần phân định rõ người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bởi vì, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài4. Trong số những người này, có trường hợp họ vẫn là công dân Việt Nam, chưa thay đổi quốc tịch; có trường hợp đã nhập quốc tịch nước ngoài và xin thôi quốc tịch Việt Nam (đối với trường hợp quốc gia cho phép nhập quốc tịch chỉ công nhận một quốc tịch); có trường hợp đã nhập quốc tịch nước ngoài và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (đối với trường hợp quốc gia cho phép nhập quốc tịch công nhận quốc tịch khác). Trong trường hợp này, căn cứ để xác định quốc tịch của họ khi họ xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú ở Việt Nam là dựa vào giấy tờ xác định quốc tịch mà họ xuất trình, khai báo. Cụ thể nếu họ xuất trình hộ chiếu nước ngoài thì áp dụng những quy định đối với người nước ngoài, ngược lại nếu họ xuất trình hộ chiếu Việt Nam thì áp dụng những quy định đối với công dân Việt Nam. - Khái niệm về quản lý cư trú đối với người nước ngoài: Cư trú là nhu cầu thiết yếu và tiên quyết của con người, tự do cư trú là một trong những quyền con người được Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận. Đây là một trong những quyền tự do cơ bản của công dân mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều phải thừa nhận, đồng thời thực hiện quản lý nhà nước về cư trú. Với xu thế hội nhập, giao lưu mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới như hiện nay thì quản lý cư trú của công dân và người nước ngoài là một hoạt động hoàn toàn tất yếu. 4 Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch năm năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
- 9 Theo Từ điển Tiếng Việt, cư trú được hiểu là “việc một người ở thường ngày tại một nơi”5. Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013; sau đây gọi tắt là Luật Cư trú) quy định như sau: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”6. Theo quy định này, cư trú gồm hai nội dung: Một là, cư trú là hành vi sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định, tại một địa điểm cụ thể của con người. Hai là, cư trú được phân loại thành hai hình thức đó là thường trú và tạm trú. Thường trú được hiểu là hành vi cư trú thường xuyên, liên tục trong một khoảng thời gian dài tại một nơi cố định. Ngược lại, tạm trú là hành vi cư trú tạm thời, không thường xuyên và lâu dài tại một nơi cố định. Đây là hai hình thức cư trú giống nhau về bản chất nhưng khác nhau về thời gian, một bên là sự liên tục kéo dài, một bên là tạm thời, ngắt quãng, trong thời gian ngắn. Dựa trên sự khác biệt này, pháp luật Việt Nam về cư trú cũng phân định thành hai hình thức cư trú và quy định cách thức quản lý khác nhau. Từ đây có thể hiểu, cư trú của người nước ngoài được hiểu là hành vi sinh sống của người nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định, tại một địa điểm nhất định trên lãnh thổ nước Việt Nam. Tương tự như quản lý cư trú đối với công dân Việt Nam, pháp luật Việt Nam cũng chia ra làm hai hình thức cư trú của người nước ngài: “Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam”7 . Trong đó, thường trú là việc người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài, không thời hạn tại Việt Nam; tạm trú là việc người nước ngoài cư trú ngắn hạn tại Việt Nam. Theo phân tích trong chuyên đề nghiên cứu “Cư trú, điều kiện cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam – Thực trạng và kiến nghị” của Trung tâm nghiên cứu khoa học, Viện nghiên cứu lập pháp có đề cập: “Sự kiện pháp lý về cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam xuất hiện từ sau khi người đó nhập cảnh và phải thực hiện các thủ tục đăng 5 Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Từ điển bách khoa, 2010. 6 Điều 1 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). 7 Khoản 9 Điều 3 Luật NC, XC, QC, CT.