Luận văn Pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau

pdf 94 trang vuhoa 24/08/2022 8360
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfluan_van_phap_luat_ve_an_toan_thuc_pham_trong_san_xuat_kinh.pdf

Nội dung text: Luận văn Pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM ĐẶNG KIM PHỤNG PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỦY SẢN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2017
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM ĐẶNG KIM PHỤNG PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỦY SẢN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU Chuyên ngành: Luật kinh tế Mã số: 60380107 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. VÕ TRÍ HẢO TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2017
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi tên là Đặng Kim Phụng - mã số học viên: 7701250794A, là học viên lớp Cao học Luật K25-2, Chuyên ngành Luật kinh tế, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, là tác giả của Luận văn thạc sĩ luật học với đề tài “Pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau” (Sau đây gọi tắt là “Luận văn”). Tôi xin cam đoan, tất cả các nội dung được trình bày trong Luận văn này là kết quả nghiên cứu độc lập của cá nhân tôi, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Võ Trí Hảo. Trong Luận văn có sử dụng, trích dẫn một số ý kiến, quan điểm khoa học của một số tác giả. Các thông tin này đều được trích dẫn nguồn cụ thể, chính xác và có thể kiểm chứng. Các số liệu, thông tin được sử dụng trong Luận văn là hoàn toàn khách quan và trung thực. Học viên thực hiện Đặng Kim Phụng
  4. MỤC LỤC TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT PHẦN MỞ ĐẦU 1 Chương 1: Tổng quan các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm 3 1. 1. Khái niệm về an toàn thực phẩm và vai trò của an toàn thực phẩm 3 1.1.1. Khái niệm về an toàn thực phẩm 3 1.1.2. Vai trò của an toàn thực phẩm 6 1.1.2.1. Vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người 6 1.1.2.2. Vai trò của an toàn thực phẩm đối với phát triển kinh tế - xã hội 7 1.2. Tiến trình phát triển pháp luật về an toàn thực phẩm 10 1.3. Kinh nghiệm pháp luật về an toàn thực phẩm của một số quốc gia trên thế giới 17 1.3.1. Thái Lan 17 1.3.2. Singapore 19 1.3.3. Hoa Kỳ 21 1.3.4. Các nước EU 22 Tiểu kết luận chương 1 25 Chương 2: Thực trạng pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực tiễn áp dụng tại tỉnh Cà Mau và một số kiến nghị 26 2.1. Thực trạng pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản 26 2.1.1. Thực trạng pháp luật về điều kiện kinh doanh và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản 26 2.1.1.1. Điều kiện sản xuất, kinh doanh thủy sản 26 2.1.1.2. Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản 28 2.1.2. Thực trạng pháp luật về thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản 31 2.1.2.1. Thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm thủy sản 31
  5. 2.1.2.2. Giám sát về an toàn thực phẩm thủy sản 35 2.1.3. Thực trạng pháp luật về xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản 36 2.2. Thực trạng vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau 39 2.2.1. Khái quát về thủy sản Cà Mau 39 2.2.2. Thực trạng vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau 42 2.3. Thực tiễn áp dụng pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản tại tỉnh Cà Mau 46 2.3.1. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong đăng ký kinh doanh và tuân thủ điều kiện an toàn thực phẩm 46 2.3.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm thủy sản 53 2.3.3. Thực tiễn áp dụng pháp luật về an toàn thực phẩm trong xử lý vi phạm 61 2.4. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau 68 2.4.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nói chung và các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản nói riêng 69 2.4.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm 73 2.4.3. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm 74 2.4.4. Quy hoạch được chuỗi liên kết giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp, đảm bảo cung cấp được nguyên liệu sạch cho các nhà máy chế biến và cho tiêu dùng theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. 76 2.4.5. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm 77 Tiểu kết luận chương 2 78 KẾT LUẬN 79 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Phụ lục 1: Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương Phụ lục 2: Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho quản lý an toàn thực phẩm
  6. Phụ lục 3: Kết quả cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, đăng ký tổ chức hội nghị, hội thảo, giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm tại địa phương Phụ lục 4: Kết quả kiểm nghiệm giám sát thực phẩm Phụ lục 5: Hệ thống phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tuyến địa phương Phụ lục 6: Kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm
  7. DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT ATTP An toàn thực phẩm VSATTP Vệ sinh an toàn thực phẩm EU Liên minh Châu Âu NN&PTNT Nông nghiệp và phát triển nông thôn TNHH Trách nhiệm hữu hạn
  8. 1 PHẦN MỞ ĐẦU Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước cũng như giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn và ven biển. Thủy sản xuất khẩu thúc đẩy sự khởi động và tăng trưởng kinh tế của nước ta, góp phần nâng cao vị trí của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên thị trường thế giới. Cà Mau với tiềm năng dồi dào về điều kiện tự nhiên cũng như con người, đã trở thành một trung tâm lớn về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; dẫn đầu về diện tích, sản lượng, xuất khẩu và được xem là vựa thủy sản của cả nước. Trong xu thế ngày càng mở cửa, hội nhập, vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên gay go, quyết liệt hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế nói chung, thủy sản nói riêng, vấn đề ATTP cần được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc, như một chìa khóa tiếp thị sản phẩm hữu hiệu, là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao sức cạnh tranh và uy tín thương hiệu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vấn đề tuân thủ pháp luật về ATTP trong sản xuất kinh doanh thủy sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thực phẩm thủy sản nhiễm bẩn, nhiễm kháng sinh, bị khách hàng nước ngoài trả về và cảnh báo rộng rãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Chính vì vậy, tác giả đã chọn và nghiên cứu đề tài “Pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau” để nghiên cứu một cách khách quan nhất thực trạng tình hình vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. 1. Vấn đề cần nghiên cứu Từ việc khái quát được thực trạng tình hình vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Cà Mau, tiến hành phân tích, đánh giá đâu là nguyên nhân của thực trạng trên: do ý thức của người chấp hành pháp luật, hay do những bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về ATTP? Từ đó, làm cơ sở để đưa ra những kiến nghị phù hợp thực tiễn.
  9. 2 2. Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu Pháp luật về ATTP, các chính sách pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; những bất cập hạn chế trong các quy định đó; thực trạng tình hình vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Cà Mau; những nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới. 3. Mục tiêu nghiên cứu Thứ nhất, nghiên cứu những vấn đề lý luận về ATTP và pháp luật về ATTP. Thứ hai, phân tích thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, tình tình vi phạm tại Cà Mau, từ đó đánh giá được những nguyên nhân cũng như những bất cập, hạn chế. Thứ ba, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. 4. Phạm vi nghiên cứu Thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Cà Mau từ năm 2012 đến nay. Chủ yếu trên ba vấn đề là việc tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh; công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp tổng hợp, tham khảo mô hình quản lý ATTP từ nước ngoài để làm rõ về cơ sở lý luận; Tổng kết thực tiễn để làm rõ thực trạng tình hình, từ đó phân tích, đánh giá về việc áp dụng pháp luật về ATTP trong sản xuất kinh doanh thủy sản tại Cà Mau. 6. Ý nghĩa và khả năng ứng dụng Đề tài được thực hiện trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn tại Cà Mau, phản ánh được khách quan, chính xác thực trạng tình hình áp dụng các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Cà Mau từ năm 2012 đến nay. Do đó, có ý nghĩa đối với việc nhận diện các vấn đề còn tồn tại và bất cập, nguyên nhân của tồn tại, để có thể có những giải pháp thiết thực, phù hợp nhất nhằm đảm bảo ATTP thủy sản, phát triển được ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
  10. 3 Chương 1: Tổng quan các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm 1. 1. Khái niệm về an toàn thực phẩm và vai trò của an toàn thực phẩm 1.1.1. Khái niệm về an toàn thực phẩm Bên cạnh mặt tích cực của sự phát triển công nghiệp hoá chất, công nghệ sinh học, con người đã sử dụng nó để tạo ra, biến đổi những thực phẩm không còn an toàn; điều mà trong thời đại văn minh nông nghiệp loài người không phải đối mặt. Bởi vậy, ATTP là một vấn đề cấp bách đối với xã hội mới bước vào văn minh công nghiệp như Việt Nam. Trong điều kiện phát triển về mọi mặt như hiện nay, thực phẩm đối với con người không chỉ để đủ năng lượng sống, mà ngày càng được quan tâm hơn về chất lượng và sự an toàn khi sử dụng. ATTP đã trở nên bức bách khi mà vấn đề ngộ độc thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp 1, công tác quản lý của cơ quan chức năng hầu như không thể bao quát hết được với những hành vi gian dối của người sản xuất, kinh doanh. Từ đó, ATTP trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội và đòi hỏi nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết. Khái niệm ATTP liên quan một loạt khái niệm khác. Thực phẩm Có thể hiểu đơn giản thực phẩm chính là tất cả các sản phẩm mà con người chúng ta ăn, uống được, có thể ở dạng tươi, sống hoặc đã qua các hình thức chế biến. Hay nói cách khác: “Thực phẩm là một loại sản phẩm phổ biến nhất liên quan đến hoạt động sống của con người, hầu hết các loại sản phẩm mà con người có thể ăn hoặc uống được đều có thể gọi là thực phẩm, trừ các loại dùng để chữa bệnh”2. “Thực phẩm không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho con người, phát triển duy trì sự sống và lao động, thực phẩm cũng chính là nguồn gây ngộ độc cho con 1 Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có khoảng từ 300-500 vụ ngộ độc thực phẩm, với 7.000 đến 10.000 nạn nhân, trong đó có từ 100 đến 200 người tử vong. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm. Nhà nước phải chi trả khoảng 3 tỉ đồng hàng năm để điều trị, xét nghiệm và tìm ra nguyên nhân cho các vụ ngộ độc này. 2 Viện nghiên cứu Quản trị kinh doanh UCI. Một số khái niệm dùng trong ngành Thực phẩm;
  11. 4 người nếu như chúng ta không tuân thủ những biện pháp vệ sinh thực phẩm hữu hiệu”3. Thực phẩm thủy sản Thủy sản là một thuật ngữ chỉ chung về những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường. Sản phẩm thủy sản là một trong những nguồn thực phẩm cơ bản quan trọng của loài người, ngày càng được ưa chuộng ở khắp nơi, bởi những ưu điểm vốn có của chúng là: Hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, hàm lượng cholestorol không đáng kể (so với các loại thịt động vật) và chứa các hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe và phòng chống một số bệnh cho con người 4. Vệ sinh thực phẩm, an toàn thực phẩm Vệ sinh thực phẩm là một khái niệm khoa học để nói thực phẩm không chứa vi sinh vật gây bệnh và không chứa độc tố. Ngoài ra khái niệm vệ sinh thực phẩm còn chứa đựng nội dung khác như tổ chức vệ sinh trong vận chuyển và chế biến thực phẩm. An toàn thực phẩm là khái niệm khoa học có nội dung rộng hơn vệ sinh thực phẩm. An toàn thực phẩm được hiểu như khả năng không gây ngộ độc của thực phẩm đối với con người. Theo nghĩa rộng an toàn thực phẩm còn được hiểu là khả năng cung cấp đầy đủ và kịp thời về số lượng và chất lượng thực phẩm khi một quốc gia gặp thiên tai hoặc một lý do nào đó. Vì thế, mục đích chính của an toàn thực phẩm là sản xuất, chế biến, vận chuyển và bảo quản thực phẩm làm sao để thực phẩm không nhiễm vi sinh vật gây bệnh, không chứa độc tố sinh học, hóa học và các yếu tố khác gây hại cho sức khỏe con người 5 Theo định nghĩa tại Khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH ngày 26/07/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, “vệ sinh an toàn thực phẩm được hiểu là việc phải thực hiện các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm cho thực phẩm không gây hại đến sức khỏe và tính mạng con người”. 3 Nguyễn Đức Lượng và Phạm Minh Tâm (2000). Giáo trình Vệ sinh và ATTP. Đại học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. 4 Đặng Văn Hợp (2006), Giáo trình Quản lý chất lượng thủy sản. NXB nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh 5 Nguyễn Đức Lượng và Phạm Minh Tâm (2000), Giáo trình Vệ sinh và ATTP. Đại học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh;
  12. 5 Trong Luật An toàn thực phẩm Số 55/2010/QH12 khái niệm này đã được đơn giản hóa, ngắn gọn và phù hợp hơn tại Khoản 1, Điều 2: “An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. Vì vậy, có thể hiểu một cách đơn giản, an toàn thực phẩm là toàn bộ những vấn đề cần giải quyết, liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh đối với thực phẩm, sao cho không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, an toàn thực phẩm thủy sản phải là sự đảm bảo ngay từ khâu khai thác, nuôi trồng, thu gom và bảo quản sản phẩm, đến quản lý sản xuất nguyên liệu thủy sản đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy định, không có các mối nguy đối với an toàn thực phẩm và không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Mối nguy Khoản 1, Điều 3, Thông tư 02/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/01/2013 của Bộ NN&PTNT quy định phân tích nguy cơ và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và muối định nghĩa: “Mối nguy là tác nhân sinh học, hoá học hay vật lý có trong thực phẩm hoặc điều kiện thực phẩm có khả năng gây hại cho sức khoẻ con người”. Có thể khái quát các mối nguy có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm thủy sản như sau6: - Mối nguy sinh học: Là các loại vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm có trong thực phẩm, có thể gây hại cho người tiêu dùng. Đối với các loại thủy sản, nguyên nhân dẫn đến mối nguy do các loại vi khuẩn, kí sinh trùng xuất phát từ bản thân loại thủy sản có chứa vi khuẩn, hoặc do bị nhiễm bệnh, đặc biệt là do hành vi đưa tạp chất vào thủy sản, gây dập thịt, ương hỏng, tạo điều kiện cho kí sinh trùng phát triển, hoặc kí sinh trùng, vi khuẩn từ các loại tạp chất xâm nhập vào thủy sản và phát triển, gây hại cho người sử dụng. - Mối nguy hóa học: Hóa chất có thể lây nhiễm vào thực phẩm thủy sản theo nhiều con đường khác nhau, như từ môi trường sống (thuốc thú y thủy sản, hóa chất xử lý ao, hóa chất từ môi trường nước không đảm bảo do hành động xả thải); Hóa chất dùng trong chế biến và bảo quản thực phẩm; Các chất tẩy rửa công nghiệp. 6 Các mối nguy ảnh hưởng đến ATTP; Website Tổng cục thủy sản.
  13. 6 - Mối nguy vật lý: Xuất phát từ trong quá trình vận chuyển, sản xuất hay trong quá trình chế biến, nếu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tuân thủ các quy định, dễ xuất hiện các mối nguy về vật lý như thực phẩm bị trộn lẫn tạp chất như đất, cát, kim loại, mảnh thủy tinh , gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, trong những năm cao điểm của nạn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, một hình thức khá phổ biến đó là đưa đinh, tăm tre vào thân tôm để gian lận về trọng lượng, gây nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe con người nếu không phát hiện và loại bỏ kịp thời. Cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản Cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản bao gồm cơ sở kinh doanh và cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm thủy sản. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản: “là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm nông lâm thủy sản”. Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm nông lâm thủy sản: “là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản; sản xuất muối”7. 1.1.2. Vai trò của an toàn thực phẩm Không chỉ riêng đối với nước ta, vấn đề ATTP luôn là vấn đề được quan tâm sâu sắc trên toàn cầu bởi vai trò quan trọng bậc nhất của nó đối với sức khỏe, tính mạng, sự tồn tại và phát triển giống nòi của con người. Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hằng ngày, cung cấp cho con người nguồn dinh dưỡng, năng lượng để sống và phát triển. Tuy nhiên khi bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ATTP chưa tốt, thì thực phẩm lại là nguồn gây bệnh nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, mà còn tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. 1.1.2.1. Vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người ATTP là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe con người, việc được tiếp cận nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn là một nhu cầu tất yếu và có thể xem 7 Khoản 2, khoản 4, Điều 3, Thông tư 45/2014/BNNPTNT, ngày 3/12/2104 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
  14. 7 như quyền cơ bản của mỗi con người. Thực phẩm chỉ được được đánh giá theo đúng khái niệm của nó là mang lại giá trị dinh dưỡng cho con người khi thực phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe. Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo cho sức khỏe con người, tuy nhiên, nếu thực phẩm không đảm bảo sẽ gây hại như ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng tới các chức năng, bệnh lý về lâu dài như ung thư, tiểu đường, suy gan, thận, rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, rối loạn tiêu hóa đặc biệt là ảnh hưởng bởi các chất độc, hóa chất tích tụ trong cơ thể gây dị tật thai nhi, giảm sút thể lực, trí tuệ, từ đó, ảnh hưởng tới phát triển giống nòi. Khi chúng ta sử dụng thực phẩm một cách an toàn, khoa học, sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng, phòng tránh các loại bệnh tật, nâng cao sức khỏe, thể lực, trí tuệ, từ đó, chất lượng lao động và cuộc sống cũng được nâng lên. Ngược lại, sử dụng thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây các loại bệnh tật, thậm chí là thiệt hại về tính mạng, lúc này, thực phẩm không còn đúng nghĩa của nó nữa mà đã trở thành một nguồn quan trọng gây hại cho sức khỏe con người. Khi sức khỏe bị ảnh hưởng, chất lượng lao động từ đó giảm sút, chất lượng cuộc sống cũng không đảm bảo bởi các gánh nặng chi phí điều trị Việc gây bệnh ở thực phẩm có thể xuất hiện từ các khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản và chế biến. Vì vậy, đảm bảo ATTP không thể là hành động bảo vệ riêng lẻ ở một khâu nào. Nếu chế biến vệ sinh, đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng nguồn nguyên liệu đã bị nhiễm hóa chất cấm, thì cũng không thể có được một sản phẩm an toàn. Đảm bảo ATTP phải xem xét toàn diện, quản lý chặt được một chuỗi tạo ra thực phẩm, có như vậy, sức khỏe người tiêu dùng mới được đảm bảo. Ngày nay, chúng ta đã quá quen thuộc với các cụm từ an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, cũng không xa lạ với các con số ngày càng gia tăng về ngộ độc thực phẩm, thực phẩm chứa hóa chất độc hại, gây ung thư Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, ATTP cần thiết phải được nhìn nhận nghiêm túc, khách quan nhằm bảo vệ tài sản quý giá nhất của con người, đó là sức khỏe. 1.1.2.2. Vai trò của an toàn thực phẩm đối với phát triển kinh tế - xã hội Trong bất cứ thời kỳ nào, lương thực, thực phẩm cũng là một loại sản phẩm có ý nghĩa sống còn đối với mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam cũng vậy, thực phẩm an toàn
  15. 8 không chỉ có ý nghĩa đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe giống nòi, nó còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đất nước có được nguồn thực phẩm an toàn phục vụ nhân dân, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, tức là nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, trí tuệ của dân tộc, quyết định đến sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sẽ tránh được các hậu quả phải khắc phục khi mất an toàn thực phẩm như: tính mạng con người, chi phí phục vụ điều tra tìm nguyên nhân sự cố, chi phí khám và điều trị, thậm chí là những trường hợp để lại di chứng phải điều trị suốt đời Ngoài ra, còn có các chi phí để thu hồi, tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng, chi phí bảo quản lưu kho chờ xử lý, chi phí nộp phạt khi bị xử lý hành chính về vi phạm Những thiệt hại đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, không chỉ tổn thất về kinh tế trước mắt, mà trên hết đó là mất niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp, niềm tin của người dân vào công tác quản lý và trách nhiệm của chính quyền, tạo dư luận xã hội tiêu cực, từ đó làm trì trệ sự phát triển chung, thậm chí ảnh hưởng đến vấn đề chính trị. Hiện nay, ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam đang ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu lớn cho đất nước cũng như việc làm cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài các tiêu chí về địa danh, giá cả, an ninh trật tự thì một yếu tố hết sức quan trọng để thu hút du khách chính là vấn đề ATTP được đảm bảo. Việc trải nghiệm các món ăn đường phố, các loại đặc sản của điểm đến du lịch là một nhu cầu tất yếu, cho nên, đảm bảo ATTP cũng chính là điều kiện phát triển ngành du lịch một cách hiệu quả. Nước ta hiện nay có thế mạnh về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng cá tra và tôm nước lợ. Những năm qua, những mặt hàng này đã nâng cao uy tín Việt Nam trên thị trường thế giới, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Năm 2016, xuất khẩu thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành hàng mũi nhọn lớn nhất trong kim ngạch của toàn ngành, với giá trị 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm, cho thấy đây chính là một lĩnh
  16. 9 vực quan trọng giúp Việt Nam ngày càng tiến sâu hơn vào thị trường thế giới và tạo được vị trí nhất định, trong đó, mặt hàng tôm luôn là thế mạnh và có vai trò chủ lực 8. Với những lợi thế đó, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát huy thương hiệu và uy tín của mình, tuy nhiên, việc không tuân thủ các điều kiện tiêu chuẩn gắt gao của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU về tạp chất, dư lượng kháng sinh, đã khiến các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua khi các lô hàng xuất khẩu liên tục bị trả về, chi phí bảo quản và xử lý đội lên gấp bội, gây thiệt hại về kinh tế, nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thủy sản Việt, gây mất niềm tin của các thị trường lớn, tiềm năng. Vì vậy, nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời tình trạng mất ATTP thủy sản, Việt Nam sẽ dần mất vị thế của mình trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày nay, trước tình trạng ATTP có nhiều diễn biến tiêu cực, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà là vấn đề của toàn cầu, vì vậy, nếu doanh nghiệp chú trọng đầu tư được loại sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ là một chìa khóa để tiếp thị một cách hữu hiệu nhất với người tiêu dùng và thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Và nếu không có biện pháp giải quyết thỏa đáng vấn đề mất an toàn thực phẩm, Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bới các nước xuất khẩu nông, thủy sản tiềm năng hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia Đây không chỉ là vấn đề tác động đến doanh nghiệp, đó là vấn đề kinh tế của một quốc gia. Khi Việt Nam gia nhập ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), các diễn đàn hợp tác kinh tế và đang bước chân vào TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP, phấn đấu để phù hợp với các nước về kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng, ATTP, luật lệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, để thực hiện nghĩa vụ của một nước thành viên về việc áp dụng các biện pháp đảm bảo ATTP và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp 8 Theo thống kê của Bộ NN &PTNT, sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam có vị thế đáng kể trong ngành Tôm toàn cầu. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, với sản lượng từ 600 nghìn đến 650 nghìn tấn một năm; dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng 300 nghìn tấn một năm và luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Tôm Việt Nam là một trong số không nhiều các mặt hàng đã xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, lớn thứ 3 ở thị trường Mỹ và thứ 4 trong khối Liên minh Châu Âu
  17. 10 định TBT). Chính vì vậy, đảm bảo an toàn thực phẩm, không chỉ mang lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe con người, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, bền vững, tạo được uy tín thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, từng bước đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển. 1.2. Tiến trình phát triển pháp luật về an toàn thực phẩm Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg Ngay từ những năm Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển, vấn đề đảm bảo ATTP đã được Nhà nước quan tâm và thể hiện bởi những quy định cụ thể: Trước hết phải kể đến đó là Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/04/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng VSATTP và việc Thành lập Cục quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nay là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vào năm 1999 trực thuộc Bộ Y tế với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về ATTP. Trước đó, trong hệ thống pháp luật chỉ có Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989), Pháp lệnh chất lượng hàng hóa (1991), Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật (1993), Pháp lệnh chất lượng hàng hóa. Các văn bản này chỉ tập trung điều chỉnh một số lĩnh vực như: khám chữa bệnh, quản lý dược, phục hồi chức năng, thú y, bảo vệ thực vật. Vấn đề An toàn thực phẩm vẫn chưa được chú trọng. Cho nên có thể nói đây là văn bản pháp quy sớm nhất điều chỉnh về an toàn thực phẩm, có ý nghĩa lớn trong việc huy động tất cả các cấp, các ngành cùng toàn thể xã hội quan tâm đến ATTP, là động lực để xây dựng và ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP như hiện nay. Bộ Luật hình sự số 15/1999/QH10, sửa đổi bổ sung năm 2009 ATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, là vấn đề được Nhà nước quan tâm quản lý, kiểm soát. Chính vì vậy, ngay từ Bộ Luật hình sự số 15/1999/QH10, sửa đổi bổ sung năm 2009, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quy định cụ thể, theo đó: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm;
  18. 11 Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm9. Những chế tài đối với vi phạm về ATTP trong Bộ luật hình sự cho thấy sự quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tuy nhiên, các quy định vẫn còn khá chung chung, chưa cụ thể và khó áp dụng vào thực tiễn. Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH1 Năm 2003, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11, ngày 07/8/2003 được ban hành, gồm 07 chương, 54 điều. Có thể nói, đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định khá đầy đủ các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm nhìn nhận một cách toàn diện hơn so với trước đây về vấn đề này. Một trong những nội dung mang tính thời sự và tiến bộ của Pháp lệnh thể hiện tại Điều 4: “Kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện”. Quy định cho thấy, kinh doanh thực phẩm là vấn đề liên quan mật thiết đến sức khỏe con người, là vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, cần thiết đặt vào những điều kiện nhất định để quản lý. Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng quy định những hành vi cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Quyền và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm; Quản lý thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm nhập khẩu, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm; Nội dung quản lý nhà nước về VSATTP, Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP đối với các Bộ, UBND Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm là căn cứ pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn về ATTP được ban hành. Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 Quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm Một trong những văn bản pháp luật quan trọng, thể hiện sự quản lý ngày càng chặt chẽ và chuyên môn hóa chính là Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 Quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở bất cứ quốc gia nào, ATTP cũng liên quan đến nhiều bộ, ngành và lĩnh vực 9 Điều 244, Bộ luật Hình sự 1999 “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”