Luận văn Lao động chưa thành niên theo pháp luật lao động Việt Nam hiện nay
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Lao động chưa thành niên theo pháp luật lao động Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- luan_van_lao_dong_chua_thanh_nien_theo_phap_luat_lao_dong_vi.pdf
Nội dung text: Luận văn Lao động chưa thành niên theo pháp luật lao động Việt Nam hiện nay
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ NHÀN LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN THEO PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN NAY Chuyên ngành : Luật Kinh tế Mã số : 60.38.01.07 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí HÀ NỘI, 2016
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là đề tài luận văn nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí – Trường Đại học Luật Hà Nội. Các luận điểm, dẫn chứng, số liệu, ví dụ nêu trong luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn chưa từng được ai công bố trong bất kỳ đề tài, công trình nghiên cứu nào khác. Tác giả luận văn Nguyễn Thị Nhàn
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN VÀ PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN 8 1.1 Khái quát chung về lao động chưa thành niên 8 1.2 Những vấn đề lý luận pháp luật về lao động chưa thành niên . 17 Chương 2: PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 36 2.1 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về việc làm, đào tạo nghề đối với người lao động chưa thành niên 36 2.2 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về giao kết hợp đồng lao động 41 2.3 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động chưa thành niên 48 2.4 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về tiền lương và thu nhập của người lao động chưa thành niên 50 2.5 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với người lao động chưa thành niên 53 2.6 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất với người lao động chưa thành niên 55 2.7 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với lao động chưa thành niên 58 2.8 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động đối với người lao động chưa thành niên 59 2.9 Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động chưa thành niên 62
- Chương 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU LỰC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN 65 3.1 Định hướng hoàn thiện pháp luật về lao động chưa thành niên 65 3.2 Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật hiện hành về lao động chưa thành niên 68 3.3 Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về lao động chưa thành niên 72 KẾT LUẬN 76 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 77
- DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT BLĐTBXH: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội BLLĐ: Bộ luật Lao động ILO: Tổ chức lao động quốc tế NLĐ: Người lao động NSDLĐ: Người sử dụng lao động
- MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Là một quốc gia phê chuẩn Công ước xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất số 182 (1999) và Công ước độ tuổi tối thiểu số 138 (1973) của ILO, Việt Nam đã cam kết giải quyết lao động trẻ em thông qua hệ thống pháp luật, chính sách và xây dựng thể chế liên quan. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể về phòng, chống lao động trẻ em, thiết lập một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; đồng thời thực hiện các chương trình, dự án để phòng, chống lao động trẻ em trên toàn quốc và ở các địa phương. Mặc dù đã có những nỗ lực trên, nhưng tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các khu vực kinh tế phi chính thức. Khảo sát Lao động trẻ em quốc gia năm 2012 cho thấy 1,7 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, chiếm 9,6% trẻ em trên cả nước, trong đó 34% làm việc hơn 42 giờ một tuần [6, tr.2]. Điều này ảnh hưởng có hại đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em, hạn chế việc đi học của các em và hạn chế việc các em hướng tới việc làm bền vững. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác góp phần dẫn tới lao động trẻ em như đói nghèo và tính dễ bị tổn thương của các gia đình liên quan; di cư từ nông thôn ra thành thị và thiếu tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hoặc quan niệm của nhiều bộ phận trong xã hội cho rằng trẻ em làm việc từ nhỏ là có thể chấp nhận được và góp phần cho sự phát triển của các em, cũng như mong muốn của bản thân trẻ em được làm việc để đóng góp cho kinh tế gia đình. Mặt khác, tính phi chính thức của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế cũng dẫn đến việc thiếu lao động và hạn chế về an sinh xã hội, cùng với việc thanh tra lao động khó có khả năng đến các khu vực phi chính thức. Lao động trẻ em có nhiều tiềm ẩn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước nói chung và có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ 1
- thương mại của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu hơn và các nghĩa vụ thực hiện các tiêu chuẩn lao động trong các hiệp định thương mại. Để điều chỉnh vấn đề trên và đảm bảo phù hợp với những đặc thù về tâm sinh lý, sức khỏe, nhận thức của người chưa thành niên, Bộ Luật lao động và một số văn bản hướng dẫn đã có những quy định riêng về người lao động chưa thành niên, song hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Theo Báo cáo Lao động trẻ em Quốc gia 2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, vẫn có tình trạng người chưa thành niên phải làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người sử dụng lao động còn vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động , thậm chí còn ảnh hưởng ở mức độ nghiêm trọng đến sự phát triển về thể lực, trí tuệ và nhân cách của đối tượng này. Điều đó đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp để bảo vệ cho người chưa thành niên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động chưa thành niên. Chính vì vậy, tôi đã chọn đề tài “Lao động chưa thành niên theo pháp luật lao động Việt Nam hiện nay” để làm đề tài luận văn của mình với mong muốn đánh giá thực trạng pháp luật lao động chưa thanh niên ở Việt Nam và trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa việc thực thi các quy định của pháp luật đối với lao động chưa thành niên. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nghiên cứu về vấn đề lao động trẻ em – lao động chưa thành niên như các luận văn, luận án, các bài tạp chí khoa học pháp lý chuyên ngành. Tuy nhiên, mỗi nghiên cứu đề cập đến vấn đề này dưới một góc độ khác nhau. Trước hết, vấn đề người lao động chưa thành niên được đề cập trong các bài viết được đăng trong các tạp chí khoa học pháp lý chuyên ngành. Trong số này có thể kể đến bài viết “Những vấn đề pháp lý về lao động chưa thành niên” của Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí, Trường Đại học Luật Hà Nội, đăng trên tạp chí 2
- Nhà nước và Pháp luật số 11 năm 2003. Bài viết “Lao động trẻ em và vấn đề vi phạm pháp luật đối với lao động trẻ em” của tác giả Đỗ Thị Dung, trường Đại học Luật Hà Nội, đăng trên tạp chí Luật học số 2 năm 2012. Bài viết “Phòng, chống bạo lực đối với trẻ em và lao động trẻ em - Pháp luật và thực tiễn” của Tiến sỹ Đỗ Ngân Bình, Trường Đại học Luật Hà Nội, đăng trên Tạp chí Luật học số 2 năm 2009. Nhìn chung các bài viết đều đã đề cập đến một khía cạnh của lao động chưa thành niên, nhưng do giới hạn ở bài viết đăng trên tạp chí nên nội dung đề cập chưa mang tính chuyên sâu, tổng quát tất cả các vấn đề của lao động chưa thành niên. Vấn đề lao động chưa thành niên cũng đã có một số tác giải làm luận văn nghiên cứu như luận văn thạc sỹ luật học “Những vấn đề pháp lý cơ bản về lao động chưa thành niên” của tác giả Dương Thị Kiều Oanh, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, năm 2003; luận văn thạc sỹ luật học “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người lao động chưa thành niên ở Việt Nam” của tác giả Lê Thị Huyền Trang, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, năm 2008 và luận văn “Các công ước quốc tế về lao động trẻ em và các vấn đề đặt ra với Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hoàng Phương, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, năm 2009; luận văn thạc sỹ luật học "Pháp luật về lao động trẻ em và thực tiễn thực hiện ở tỉnh Nghệ An" của tác giả Hồ Thị Nga, trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2012. Các nghiên cứu đã khái quát chung về lao động chưa thành niên nhằm chỉ ra sự cần thiết phải có quy định riêng đối với nhóm lao động này, đồng thời chủ yếu nghiên cứu, đánh giá chế độ pháp lý hiện hành và bước đầu đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về lao động chưa thành niên. Tuy nhiên, các luận văn trên chưa nghiên cứu, phân tích toàn diện các quy định đối với người lao động chưa thành niên, đặc biệt thực trạng pháp luật về lao động chưa thành niên chưa được làm rõ cả về sự bất cập của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện. Mặt khác, các kiến nghị hoàn thiện pháp luật còn chưa cụ thể, nhiều kiến nghị không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã 3
- hội hiện nay. Bên cạnh đó còn có Luận án tiến sỹ luật học “Hoàn thiện pháp luật về lao động chưa thành niên trong điều kiện hội nhập quốc tế” của tác giả Trần Thắng Lợi, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, năm 2012, đã có những nghiên cứu chuyên sâu về lý luận và một số đánh giá chế độ pháp lý hiện hành đối với lao động chưa thành niên. Nhưng luận án chỉ tập trung nghiên cứu pháp luật lao động về người lao động chưa thành niên trong mối quan hệ lao động “làm công ăn lương” là đối tượng điều chỉnh của luật lao động Việt Nam (theo Bộ luật Lao động sửa đổi và bổ sung năm 2007) và một số quan hệ lao động liên quan, chứ chưa đề cập đến toàn bộ các vấn đề của lao động chưa thành niên, mà chưa bao quát được toàn bộ các vấn đề của lao động chưa thành niên. Ngoài ra, cũng đã có một số công trình nghiên cứu như công trình nghiên cứu của tác giả Vũ Ngọc Bình về “vấn đề lao động trẻ em”, công trình nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Loan về “thực trạng lao động trẻ em trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” Tuy nhiên, đây chỉ là những nghiên cứu mang tính chất chuyên đề, hoặc chỉ dừng lại ở phạm vi một địa phương, hoặc nghiên cứu ở tầm vi mô, chưa nghiên cứu một cách có hệ thống toàn bộ thực trạng lao động trẻ em, pháp luật lao động trẻ em, chưa đưa ra các giải pháp mang tính khả thi, phù hợp nhằm ngăn chặn việc sử dụng lao động trẻ em. Tóm lại, cho đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu dưới các hình thức khác nhau về vấn đề người lao động chưa thành niên hay lao động trẻ em. Nhưng nhìn chung những nghiên cứu trên được thực hiện ở một phương diện nhất định, đồng thời các nghiên cứu đó chủ yếu nghiên cứu về lao động chưa thành niên theo Bộ luật Lao động 1994 nên việc đánh giá thực trạng, kiến nghị không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Trên cơ sở kế thừa những kết quả của các tác giả đi trước, luận văn tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu các nội dung chính, chủ yếu của pháp luật lao động về lao động chưa thành niên từ đó đề xuất hướng hoàn thiện cho pháp luật quy định về vấn đề này. 4
- 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn nghiên cứu các vấn đề lý luận về người lao động chưa thành niên và sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của họ trong quan hệ lao động; nghiên cứu thực trạng pháp luật lao động chưa thành niên và thực tiễn thực hiện, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và đề xuất các cơ chế đảm bảo cho việc thực thi pháp luật hiệu quả hơn, đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với loại quan hệ xã hội đặc biệt này. Để đạt được những mục đích nghiên cứu trên đây, Luận văn tập trung giải quyết một số nhiệm vụ sau đây: - Phân tích, nghiên cứu những vấn đề lý luận về lao động chưa thành niên và sự cần thiết phải bảo vệ lao động chưa thành niên - Đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về lao động chưa thành niên hiện nay và việc thực hiện chúng trên thực tế, tìm các ưu điểm cũng như chỉ ra các hạn chế, bất cập cần khắc phục. - Đưa ra định hướng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về lao động chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn chủ yếu là các quy định pháp luật lao động trong Bộ Luật lao động năm 2012 về lao động chưa thành niên, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động và một số văn bản pháp luật khác liên quan như Luật Trẻ em (2016), Bộ luật Dân sự (2015), Bộ luật tố tụng Dân sự (2015), Luật Bảo hiểm xã hội (2014) Đồng thời, bên cạnh các quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động chưa thành niên, luận văn cũng dẫn chiếu, so sánh một số văn bản pháp luật quốc tế để ở mức độ phù hợp. Trong đó tập trung chủ yếu vào Công ước số 138 năm 1973 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 năm 1999 về cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ 5
- những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đây là những văn bản liên quan trực tiếp đến người lao động chưa thành niên mà Việt Nam đã phê chuẩn. Về nguyên tắc người lao động chưa thành niên bao gồm nhiều đối tượng khác nhau, nếu hiểu theo nghĩa rộng, người lao động chưa thành niên gồm tất cả những người dưới 18 tuổi thực hiện hoạt động lao động. Để phù hợp với tên gọi đề tài và điều kiện nghiên cứu, luận văn tập trung nghiên cứu các vấn đề đối với lao động chưa thành niên trong mối quan hệ lao động “làm công ăn lương” là đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động Việt Nam. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu và giải quyết tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, luận văn lấy phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của triết học Mác- Lênin cũng như của lý luận chung về Nhà nước và pháp luật làm cơ sở phương pháp luận. Đồng thời luận văn cũng bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ người chưa thành niên. Ngoài ra, luận văn cũng còn được sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác như: phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, lịch sử Các phương pháp được sử dụng một cách linh hoạt nhằm đảm bảo hiệu quả của việc nghiên cứu. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Luận văn này nhằm xác định nội dung và mức độ điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề lao động chưa thành niên, đánh giá thực trạng pháp luật lao động Việt Nam hiện hành về lao động chưa thành niên cũng như thực tiễn thực hiện để thấy được những kết quả đạt được cũng như những điểm còn tồn tại, hạn chế góp phần xây dựng và hoàn thiện hơn nữa hệ thống lý luận về lao động chưa thành niên và pháp luật lao động chưa thành niên. Các kết quả nghiên cứu của luận văn đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc bảo vệ người lao động chưa thành niên và có thể dùng làm nguồn tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu. 6
- 7. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận về lao động chưa thành niên và pháp luật về lao động chưa thành niên Chương 2: Pháp luật về lao động chưa thành niên và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam hiện nay Chương 3: Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về lao động chưa thành niên 7
- Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN VÀ PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN 1.1 Khái quát chung về lao động chưa thành niên 1.1.1. Khái niệm lao động chưa thành niên Thuật ngữ "người chưa thành niên" được sử dụng rộng rãi trong các ngành khoa học khác nhau như: tâm lý học, giáo dục học, luật học Tuy nhiên, tùy theo các góc độ, lĩnh vực khác nhau mà khái niệm này được hiểu cũng khác nhau. Dưới góc độ pháp lý, người chưa thành niên được dùng để xác định những giới hạn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng đặc thù này. Quá trình phát triển của một trẻ em từ khi sinh ra đến khi trưởng thành được các nhà khoa học phân chia thành các giai đoạn khác nhau, trong đó có giai đoạn chưa thành niên, nhưng việc xác định cụ thể thời điểm bắt đầu, kết thúc tuổi chưa thành niên còn có nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi đã phát triển đến mức độ hoàn chỉnh về trí tuệ và thể chất. Y học, tâm lý học, sinh lý học và các ngành khoa học liên quan đã chứng minh, thông thường con người đạt được sự phát triển này khi đã thành niên, đủ mười tám tuổi. Người dưới mười tám tuổi chưa đạt được sự phát triển hoàn chỉnh này nên được coi là người chưa thành niên. Ở nước ta, trong các văn bản pháp luật hiện hành, người dưới 18 tuổi được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật trẻ em . Nhưng trong mỗi văn bản lại có cách quy định khác nhau về nhóm đối tượng này. Khác với người đã trưởng thành, là người đã phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần, có thể tham gia đầy đủ các quan hệ xã hội do luật định, người dưới 18 tuổi chưa thể tham gia đầy đủ các quan hệ xã hội do họ có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý và thể chất. Từ những đặc điểm riêng của nhóm người dưới 18 tuổi và để phù 8
- hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các văn bản luật khác nhau lại có cách gọi khác nhau về nhóm người dưới 18 tuổi. Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự quy định nhóm người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, nhưng giới hạn về độ tuổi của người chưa thành niên lại khác nhau. Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”. Như vậy, Bộ luật Dân sự coi tất cả những người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Khác với Bộ luật Dân sự, quy định tại Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ nêu “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định ” Điều này cho thấy, quy định trong Bộ luật Hình sự về người chưa thành niên chỉ giới hạn ở nhóm tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, không đề cập đến tất cả những người dưới 18 tuổi như quy định trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, quy định về người chưa thành niên trong hai Bộ luật này lại không mâu thuẫn, khi cùng đề cập tới người chưa thành niên, mỗi bộ luật lại đưa ra giới hạn về chủ thể khác nhau thuộc phạm vi điều chỉnh của mình[34]. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định một nhóm đối tượng trong nhóm người dưới 18 tuổi là người lao động chưa thành niên. Tại Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định “người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động” và Điều 161 quy định “Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”. Kết hợp quy định tại hai điều trên, ta thấy độ tuổi của người lao động chưa thành niên là từ đủ 15 tuổi cho tới cho tới dưới 18 tuổi. Từ đó có thể hiểu người lao động chưa thành niên là một nhóm lao động đặc thù, ở độ tuổi từ đủ 15 tuổi cho đến dưới 18 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến đủ 15 tuổi và làm các công việc nặng nhẹ theo danh mục quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời không được 9
- sử dụng lao động dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Quy định trên phù hợp với Công ước 138 của ILO về tuổi lao động tối thiểu (Công ước số 138) mà Việt Nam đã tham gia năm 2003. Trong Công ước quy định các nước thành viên tham gia công ước phải xác định độ tuổi tối thiểu được đi làm việc hoặc được đi lao động và không một ai ở dưới độ tuổi tối thiểu đó được đi làm việc hoặc được lao động trong bất cứ nghề nào, độ tuổi tối thiểu đó không được dưới độ tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc và bất kỳ trường hợp nào cũng không được dưới 15 tuổi. Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế chỉ thừa nhận người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 thì "trẻ em được xác định là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn" và Điều 11 Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do năm 1990 cũng quy định "những người chưa thành niên là người dưới mười tám tuổi". Như vậy các văn bản pháp luật quốc tế không dựa vào đặc điểm tâm, sinh lý hay sự phát triển thể chất, tinh thần mà trực tiếp hoặc gián tiếp ghi nhận người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam bao gồm trẻ em và một bộ phận của thanh niên. Trong đó, "trẻ em là người dưới mười sáu tuổi" theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016. Thanh niên “là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi” [53, tr. 9] nên người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi được điều chỉnh theo Luật Thanh niên năm 2005. Điều 31 Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định rằng " áp dụng Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi". Do đó, tất cả mọi người chưa thành niên đều có các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Và trong pháp luật quốc tế, khái niệm trẻ em là người chưa đủ 18 tuổi, bởi vậy khái 10
- niệm “người chưa thành niên” trong pháp luật Việt Nam là đồng nhất với khái niệm “trẻ em” trong pháp luật quốc tế. Nên trong phạm vi luận văn, khái niệm trẻ em được sử dụng cũng chính là khái niệm người chưa thành niên trong pháp luật Việt nam, để đảm bảo theo đúng các tài liệu quốc tế được sử dụng trong luận văn. 1.1.2. Đặc điểm, phân loại lao động chưa thành niên 1.1.2.1. Đặc điểm của lao động chưa thành niên Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Ở độ tuổi này, những đặc điểm về tâm sinh lý của người chưa thành niên có những biểu hiện khá phức tạp và mang những đặc trưng riêng tùy theo từng giai đoạn của sự phát triển. Qua việc nghiên cứu những đặc trưng về tâm sinh lý, xã hội của người chưa thành niên, có thể nhận thấy một số điểm khác biệt của người chưa thành niên so với người thành niên: Thứ nhất, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất. Sự phát triển này biểu hiện ở sự tăng trưởng về chiều cao, trọng lượng, cơ bắp, sự hoàn thiện các giác quan Điểm khác biệt này là do nhân tố sinh học. Người chưa thành niên nếu lao động ở độ tuổi này trong điều kiện khắc nghiêt, môi trường nguy hiểm, độc hại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt thể chất. Thứ hai, người lao động chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về trí tuệ và tâm sinh lý. Cũng là quá trình sinh học, sự phát triển tâm sinh lý này cùng với sự phát triển về thể chất. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển, người chưa thành niên đòi hỏi được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và ứng xử khác nhau. Nếu được chăm sóc, giáo dục và ứng xử phù hợp, thì sự phát triển của các em sẽ diễn ra thuận lợi, lành mạnh và mối quan hệ của các em với gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô, với xã hội cũng sẽ tốt đẹp. Trái lại, nếu sự chăm sóc, giáo dục và ứng xử không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các em và đến mối quan hệ của các em với thế giới xung quanh. Mặc khác do nhận thức và trí tuệ đang phát triển nên khó có thể độc lập thực hiện và bảo vệ tính mạng, danh sự, nhân phẩm cũng như tài sản của bản thân người chưa 11
- thành niên, do vậy nếu lao động trong lứa tuổi này người chưa thành niên dễ bị tác động mạnh đến tâm lý do những ảnh hưởng từ lao động gây ra [31]. Chính bởi lý do người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, nên là nhóm có nguy cơ cao dễ bị xâm hại, tác động từ các yếu tố của xã hội, do đó đã có rất nhiều quy định của pháp luật điều chỉnh để hướng tới mục đích bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người chưa thành niên. Trong lĩnh vực lao động cũng có những quy định chặt chẽ liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng lao động ở lứa tuổi này. Thứ ba, người chưa thành niên là người có sự hạn chế năng lực hành vi. Ðiều 19 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự". Cùng với năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự là một bộ phận hợp thành năng lực chủ thể pháp luật dân sự của cá nhân, là điều kiện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự cụ thể. Năng lực hành vi dân sự bao gồm: năng lực thực hiện các giao dịch hoặc hành vi pháp lý khác; năng lực chịu trách nhiệm do việc thực hiện hành vi. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được pháp luật thừa nhận phụ thuộc vào khả năng mức độ nhận thức, làm chủ hành vi, nên cá nhân ở mỗi độ tuổi, mỗi mức phát triển của nhận thức có năng lực hành vi dân sự khác nhau. Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Những người này không được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự mà giao dịch của họ do người đại diện của họ xác lập và thực hiện. Theo Điều 21, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ. Sự chưa đầy đủ này thể hiện ở chỗ họ chỉ được pháp luật cho phép xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu hàng ngày, phù hợp với lứa tuổi. Các giao dịch không phục vụ nhu cầu hàng ngày, không phù hợp với lứa tuổi của người từ đủ 12
- sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi thực hiện chỉ có hiệu lực nếu được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Khoản 4, Điều 21 quy định một ngoại lệ, theo đó người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà có tài sản riêng đủ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì được xác lập giao dịch mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định này chủ yếu xuất phát từ thực tế người từ đủ mười lăm tuổi đã có quyền giao kết hợp đồng lao động và có thu nhập riêng hợp pháp, tạo điều kiện cho họ thực sự trở thành chủ thể độc lập trong đời sống kinh tế xã hội. Nhưng một số các giao dịch cụ thể chỉ có thể được thực hiện bởi người thành niên xác lập mới có hiệu lực, người chưa thành niên dù có tài sản riêng cũng không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để tham gia giao dịch. Như vậy, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được pháp luật thừa nhận có đủ một phần năng lực hành vi, đã có thể bắt đầu tham gia lao động sản suất và có quyền tự quyết định một phần các vấn đề liên quan đến cá nhân mình. 1.1.2.2. Phân loại lao động chưa thành niên Việc phân loại người lao động chưa thành niên có thể dựa trên các tiêu chí khác nhau như độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn Dưới góc độ pháp lý, người lao động chưa thành niên được phân loại căn cứ vào độ tuổi, theo đó, người lao động chưa thành niên được phân thành 02 nhóm: nhóm người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và nhóm người lao động dưới 15 tuổi. Nhóm người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi: Việc quy định nhóm tuổi lao động này được dựa trên một số cơ sở như: đây là độ tuổi tối thiểu để mọi người có đủ năng lực chủ thể để tham gia quan hệ lao động, có thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong lao động. Việc quy định này còn căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội về số lượng và cơ cấu của lực lượng lao động xã hội; cơ cấu và nhu cầu giải quyết việc làm của xã hội. Ngoài ra, quy định này còn phù hợp với Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu. Tuy nhiên, mặc dù cho phép được tham gia lao động, học nghề nhưng nhóm người lao động ở độ tuổi này cũng 13
- được hạn chế làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay ảnh hưởng đến nhân cách. Nhóm người lao động dưới 15 tuổi: đây là nhóm tuổi đang trong quá trình phát triển về thể chất, tinh thần, đa phần vẫn còn đi học bắt buộc nên việc các em tham gia làm việc chỉ được phép với những công việc nhẹ nhàng, đơn giản, không ảnh hưởng đến việc học hành của các em. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo danh mục quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Khi sử dụng người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em. Đối với người dưới 13 tuổi, không được sử dụng lao động trừ một số công việc cụ thể do pháp luật quy định [35]. 1.1.3. Sự cần thiết của điều chỉnh pháp luật về lao động chưa thành niên Hiện nay có rất nhiều gia đình nghèo không có đủ khả năng tài chính để đảm bảo cho con em theo học, một số bộ phận gia đình không sẵn sàng cho con em mình học lên vì ngại tốn kém, không kham nổi hoặc do sức ép từ một số người đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm kiếm được việc làm. Không được học tập, tạo cho các em được làm việc để có thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi là rất cần thiết mà trước hết là để cho các em không bị lôi cuốn vào các hoạt động vui chơi thiếu lành mạnh và vi phạm pháp luật . Việc lao động của các em cũng có những mặt tích cực nhất định cần phải xem xét để khuyến khích trong việc giáo dục về giá trị của lao động. Ở Việt Nam một bộ phận lớn người sử dụng lao động là các tiểu chủ, các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu cao về sử dụng người lao động chưa thành niên. Bởi họ không có đủ điều kiện để thuê mướn người lao động đã thành niên vì khả năng tài chính và trình độ quản lý cũng như yêu cầu 14
- công việc. Có rất nhiều người sử dụng lao động mặc dù hiểu biết nhưng vẫn vi phạm pháp luật lao động trong đó có vi phạm đối với người chưa thành niên. Mặc dù các cơ quan chức năng và xã hội có nhiều biện pháp xử lý nhưng vẫn chưa đảm bảo cho tất cả các em có một môi trường làm việc theo đúng tiêu chuẩn và tình trạng xâm hại cũng như lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên ngày càng nghiêm trọng [29]. Do vậy, việc điều chỉnh pháp luật đối với người lao động chưa thành niên là rất quan trọng, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ những công dân lao động tương lai của đất nước. Khi điều chỉnh vấn đề người lao động chưa thành niên, pháp luật bảo vệ và định hướng cho sự phát triển của các quan hệ này thông qua ý chí chủ quan của Nhà nước, tạo khung pháp lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với người lao động chưa thành niên. Thứ nhất, điều chỉnh pháp luật đối với người lao động chưa thành niên đảm bảo quyền được làm việc của người lao động chưa thành niên, hay nói cách khác, quyền lao động của người chưa thành niên chỉ trở thành hiện thực nếu được Nhà nước đảm bảo về mặt pháp lý trong việc thực hiện. Bởi vì, đảm bảo bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người, quyền công dân được thực hiện. Đồng thời với việc bảo vệ quyền được làm việc thì pháp luật về lao động chưa thành niên cũng bảo vệ sự phát triển về nhân cách, sức khỏe, tâm sinh lý của người lao động chưa thành niên. Người lao động chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể lực và trí lực, là đối tượng yếu thế trong xã hội. Pháp luật có những quy định cụ thể đối với người lao động chưa thành niên như: người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực cũng như nhân cách; người lao động chưa thành niên được nhận tiền lương đầy đủ, đảm bảo sức khỏe, đảm bảo học tập trong quá trình lao động; cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ; thời giờ làm việc của người chưa thành niên cũng ít hơn so 15