Luận văn Kiểm sát điều tra tội giết người theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Kiểm sát điều tra tội giết người theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- luan_van_kiem_sat_dieu_tra_toi_giet_nguoi_theo_phap_luat_to.pdf
Nội dung text: Luận văn Kiểm sát điều tra tội giết người theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ___ NGUYỄN ANH THƯƠNG KIỂM SÁT ĐIỀU TRA TỘI GIẾT NGƯỜI THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Hà Nội – 2017
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ___ NGUYỄN ANH THƯƠNG KIỂM SÁT ĐIỀU TRA TỘI GIẾT NGƯỜI THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Mã số: 60.38.01.04 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS. TS. Phùng Thế Vắc Hà Nội – 2017
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU . 1 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA TỘI GIẾT NGƯỜI 7 1.1. Những vấn đề lý luận và pháp luật về kiểm sát điều tra tội giết người 7 1.2. Mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra tội giết người 24 1.3. Mối quan hệ giữa kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra tội giết người 27 1.4. Một số nội dung mới quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có liên quan đến phạm vi kiểm sát điều tra 29 Chương 2: THỰC TRẠNG KIỂM SÁT ĐIỀU TRA TỘI GIẾT NGƯỜI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016 . 34 2.1. Tổng quan về tình hình kiểm sát điều tra tội giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016 . 34 2.2. Thực trạng kiểm sát điều tra tội giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016 36 2.3. Kết quả đạt được 55 2.4. Hạn chế, vi phạm và nguyên nhân 56 Chương 3: GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA TỘI GIẾT NGƯỜI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH . 59 3.1. Giải pháp về hoạt động của Viện kiểm sát 59 3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan 68 3.3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện luật 70 KẾT LUẬN . 76 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 78
- DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1. Tình hình khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016 39 Bảng 2.2. Tình hình áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong vụ án giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016 43 Bảng 2.3. Tình hình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trong vụ án giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016 46 Bảng 2.4. Tình hình thực nghiệm điều tra trong vụ án giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016 53
- MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ở Việt Nam hiện nay, tình hình tội phạm giết người diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ về số lượng án giết người tăng mà còn về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đơn cử như các vụ án giết người gây chấn động dư luận xảy ra gần đây: vụ Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến giết 06 người ở Bình Phước, Đặng Văn Hùng sát hại 04 người ở Yên Bái, Vi Văn Hai giết 04 người ở Nghệ An Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, góp phần đắc lực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát có chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Với chức năng, nhiệm vụ đó, Viện kiểm sát giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn điều tra, đảm bảo tính pháp chế của hoạt động điều tra ngay từ khi tiếp nhận thông tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra thu thập chứng cứ cho đến khi kết thúc điều tra nhằm làm rõ toàn bộ sự thật khách quan của vụ án. Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát hướng đến tính chính xác, khách quan của quá trình chứng minh sự thật của vụ án hình sự thuộc phạm vi trách nhiệm của Cơ quan điều tra, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ và hợp pháp, ngăn ngừa xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự nói chung và vụ án giết người nói riêng còn có những hạn chế, yếu kém chung là: 1
- còn tiến hành theo nếp cũ, chưa kịp đổi mới tư duy; nhiều thủ tục còn rườm rà, phức tạp làm cho quá trình giải quyết vụ án chậm chạp, kéo dài, chi phí tiến hành tố tụng tốn kém; tình trạng lạm dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam khi chưa đủ căn cứ; chưa có sự phân định hợp lý chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ chế đảm bảo quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng còn bất cập, nhất là quyền bào chữa của bị can, bị cáo Đặc biệt, những năm gần đây có không ít người bị khởi tố, truy tố, xét xử oan liên quan đến tội giết người như: Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải Để thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án giết người, về phương diện lý luận đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu như đổi mới phương thức kiểm sát điều tra ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án giết người, nhằm bảo đảm không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý. Kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự là một đề tài rộng. Đề tài này đã được nhiều tác giả trong nước nghiên cứu. Các công trình khoa học đó mặc dù có đề cập đến chức năng kiểm sát điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhưng chủ yếu nghiên cứu ở góc độ các vụ án hình sự chung, chưa đi sâu nghiên cứu từng tội phạm cụ thể hoặc nếu có thì cũng không phải nghiên cứu kiểm sát điều tra tội “Giết người”. 2
- Từ những lý do trên, tôi quyết định chọn đề tài “Kiểm sát điều tra tội giết người theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh” làm luận văn thạc sĩ luật học. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Hoạt động kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và kiểm sát điều tra vụ án giết người nói riêng là hoạt động tố tụng quan trọng, góp phần rất lớn vào quá trình làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, làm cơ sở cho việc truy tố và xét xử hành vi phạm tội. Vì vậy đây là vấn đề thu hút các nhà hoạt động thực tiễn quan tâm nghiên cứu. Việc nghiên cứu đề tài này đã được thể hiện trong nhiều công trình khoa học được công bố trên các sách, báo, tạp chí chuyên ngành và các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, một số giáo trình giảng dạy về pháp luật. Có thể nêu ra như sau: Phạm Hồng Cử (2005), Phòng ngừa đấu tranh với tội phạm giết người tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Đại học Cảnh sát nhân dân, Hà Nội. Đỗ Đức Hồng Hà (2006), Tội giết người trong luật Hình sự Việt Nam và đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, Luận án tiến sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Thị Thu Hiền (2009), Đấu tranh phòng chống các tội phạm giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Công Hòa (2004), Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Văn Hoan (2000), Đối tượng chứng minh và phương tiện chứng minh trong vụ án hình sự về tội giết người, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. 3
- Hồ Thị Thanh Hương (2013), Hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Thị Lan (2012), Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Phạm Thùy Vân (2011), Đấu tranh phòng chống tội phạm giết người và tội cố ý gây thương tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Tất Viễn (2003), Hoạt động tư pháp và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Kỷ yếu đề tài cấp bộ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Viện Khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2003), Những giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Kỷ yếu đề tài cấp bộ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Viện Khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2011), Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Trên cơ sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về tội phạm giết người và hoạt động kiểm sát điều tra vụ án giết người của Viện kiểm sát; đánh giá thực tiễn tình hình hoạt động kiểm sát điều tra tội giết người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2016 của Viện kiểm sát và làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát điều tra; luận văn đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát điều tra vụ án 4
- hình sự nói chung và vụ án giết người nói riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong điều tra tội giết người. - Phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu hoạt động kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra tội giết người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi khởi tố vụ án đến khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra vụ án trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận thực hiện đề tài dựa trên: nền tảng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin; đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta về đấu tranh phòng, chống tội phạm; về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước và trong tố tụng hình sự; các chủ trương của Đảng và nhà nước ta về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Luận văn góp phần hoàn thiện lý luận về hoạt động của Viện kiểm sát trong kiểm sát điều tra tội giết người. Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và vụ án giết người nói riêng. 7. Cơ cấu của luận văn 5
- Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung kết quả nghiên cứu được cơ cấu thành 3 chương: - Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật về kiểm sát điều tra tội giết người. - Chương 2: Thực trạng kiểm sát điều tra tội giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến năm 2016. - Chương 3: Giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát điều tra tội giết người tại Thành phố Hồ Chí Minh. 6
- Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA TỘI GIẾT NGƯỜI 1.1. Những vấn đề lý luận và pháp luật về kiểm sát điều tra tội giết người 1.1.1. Tội giết người trong luật hình sự Việt Nam Theo quy định pháp luật hiện hành, khái niệm về tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.” Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 27/11/2015 (hiện đang lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi, bổ sung; chỉ áp dụng các quy định mới theo hướng có lợi cho người phạm tội) với những nội dung mới, trong đó có khái niệm về tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8, như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp 7
- pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.” Về cơ bản, khái niệm về tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 được kế thừa toàn bộ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điểm khác nhau duy nhất giữa hai điều luật viện dẫn nêu trên đó là chủ thể của tội phạm. Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ coi “cá nhân” mới là chủ thể của tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung “pháp nhân thương mại” cũng là chủ thể của tội phạm. Đây là một trong các nội dung sửa đổi quan trọng nhất của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ luật Hình sự năm 1999 hiện hành, kể cả Bộ luật Hình sự năm 2015, đều không có mô tả cụ thể khái niệm hành vi “giết người”. Nhưng theo nhận thức chung trong khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật, hành vi giết người được hiểu là“hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật bằng mọi hình thức”. Các đặc điểm, dấu hiệu nhận biết tội phạm giết người cơ bản như sau: - Về khách thể Tội phạm giết người xâm hại đến quyền cơ bản nhất của con người đó là quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng. - Về chủ thể Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự (có năng lực hành vi đầy đủ và đạt độ tuổi luật định) đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực hành vi đầy đủ là chủ thể của tội giết người. Pháp nhân thương mại, chủ thể mới của tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, không được coi là chủ thể của tội giết người. 8
- - Về mặt chủ quan Tội phạm giết người luôn luôn được thực hiện với lỗi cố ý, vì từ "giết" đã bao hàm cả sự cố ý. Do đó, nếu có trường hợp nào tước đoạt tính mạng người khác không phải do cố ý thì không phải là giết người. Lỗi của người phạm tội có thể là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu gây hậu quả chết người và mong muốn hậu quả xảy ra. Lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức hành động của mình có thể gây hậu quả chết người, mặc dù không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện khác nhau: + Dạng biểu hiện thứ nhất là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Loại biểu hiện này rõ nét. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm còn gọi là cố ý có dự mưu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước được hậu quả tất yếu xảy ra và cũng mong muốn cho hậu quả phát sinh, trường hợp này gọi là cố ý đột xuất. + Dạng biểu hiện thứ hai là trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người 9
- phạm tội cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. + Dạng biểu hiện thứ ba là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt. - Về mặt khách quan Hành vi giết người là hành vi “tước đoạt tính mạng của người khác”. Nghĩa là, hành vi tội phạm phải gây hậu quả hoặc có khả năng gây ra hậu quả làm chết người khác, chấm dứt sự sống của nạn nhân về mặt sinh học, người bị giết phải là người còn sống. Nếu một người đã chết, thì mọi hành vi xâm phạm đến xác chết đó không phải là hành vi giết người, nhưng giết một người sắp chết vẫn là giết người. Giết một đứa trẻ mới ra đời cũng là giết người, nhưng phá thai, dù cái thai đó ở tháng thứ mấy cũng không gọi là giết người, vì vậy giết một phụ nữ đang có thai không phải là giết nhiều người. Trường hợp người phạm tội tưởng nhầm xác chết là người đang còn sống mà có những hành vi như bắn, đâm, chém với ý thức giết thì vẫn phạm tội giết người. Khoa học luật hình sự gọi là sai lầm về đối tượng. Nếu một người tự chấm dứt sự sống của mình (tự tử) thì hành vi đó không phải là tội phạm. Nhưng nếu một người trợ giúp người khác tự tử theo chính nguyện vọng, yêu cầu của nạn nhân thì về nguyên tắc, hành vi đó vẫn được xem là tội phạm. Hành vi giết người phải là hành vi“trái pháp luật”. Do đó, hành vi cố ý làm chết người khác theo quy định pháp luật hoặc được pháp luật cho phép 10
- thực hiện như hành vi thi hành án tử hình hoặc hành vi phòng vệ chính đáng thì không phải là tội phạm. Hành vi khách quan của tội giết người có thể là hành vi hành động hoặc không hành động. Hành vi giết người còn có thể thực hiện thông qua hành động của người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất nên tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi có hậu quả chết người xảy ra. Tuy nhiên, hậu quả chết người xảy ra lại không phải là yếu tố bắt buộc trong việc định tội mà có ý nghĩa xác định giai đoạn thực hiện tội phạm. Nếu hậu quả chết người không xảy ra thì lúc này việc xác định tội phạm cần phải đánh giá, phân loại dựa trên yếu tố lỗi: + Nếu lỗi cố ý trực tiếp (mong muốn nạn nhân chết) nhưng hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của kẻ thực hiện hành vi thì hành vi phạm tội được coi là tội giết người chưa đạt. Ví dụ 1: A đang thực hiện hành vi dùng dao đâm, chém B thì bị người dân phát hiện, ngăn cản, bắt giữ thì hành vi phạm tội của A được coi là tội giết người chưa đạt chưa hoàn thành. Ví dụ 2: Sau khi thực hiện hành vi dùng dao đâm, chém B, A tưởng rằng B đã chết nên bỏ đi nhưng sau đó B được người khác phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết thì hành vi phạm tội của A được coi là tội giết người chưa đạt đã hoàn thành. Trường hợp hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân chủ quan từ kẻ thực hiện hành vi thì thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội. Ví dụ: Đã thực hiện việc đâm, chém nạn nhân nhưng không thực hiện hành vi đến cùng (đến khi nạn nhân chết) mà dừng lại, đưa nạn nhân đi cấp cứu nên nạn nhân thoát chết thì không cấu thành tội giết người mà có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích (tùy thuộc tỷ lệ thương tật, tổn hại sức khỏe của nạn nhân). 11
- + Nếu lỗi cố ý gián tiếp (không mong muốn nạn nhân chết nhưng bất chấp hậu quả) thì cũng có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích (tùy thuộc tỷ lệ thương tật, tổn hại sức khỏe của nạn nhân). Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Thực tiễn áp dụng pháp luật không phải bao giờ cũng dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Trong nhiều trường hợp, việc xác định mối quan hệ nhân quả khá phức tạp, khó khăn, cần có sự đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện, thận trọng và đảm bảo tính khoa học thì mới xác định được đâu là nguyên nhân gây ra hậu quả. Khi xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phải xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả với những đặc điểm sau: + Hành vi là nguyên nhân gây ra chết người phải là hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian, ví dụ: Sau khi bị bắn, nạn nhân chết. Thời điểm xảy ra hậu quả chết người không nhất thiết phải đi liền ngay sau khi hành vi được thực hiện mà có thể diễn ra sau đó một khoảng thời gian, ví dụ: Nạn nhân được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng, không thể cứu chữa được nên chết sau thời gian vài ngày. Tuy nhiên, không phải bất cứ hành vi nào xảy ra trước hậu quả chết người đều là nguyên nhân mà chỉ những hành vi có mối quan hệ nội tại tất yếu với hậu quả thì mới là nguyên nhân. Mối quan hệ nội tại tất yếu đó thể hiện ở chỗ: cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi của người phạm tội; hành vi của người phạm tội đã mang trong nó mầm mống sinh ra hậu quả chết người; hành vi của người phạm tội trong những điều kiện nhất định phải dẫn đến hậu quả chết người chứ không thể khác được, ví dụ: Một người dùng súng bắn vào đầu của người khác, tất yếu sẽ dẫn đến cái chết cho người này. Nếu một hành vi đã mang trong đó mầm mống dẫn đến cái chết cho nạn nhân, nhưng hành vi đó lại 12
- được thực hiện trong hoàn cảnh không có những điều kiện cần thiết để hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả đó chưa xảy ra, thì người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, ví dụ: A có ý định bắn vào đầu B nhằm tước đoạt tính mạng của B, nhưng đạn không trúng đầu của B mà chỉ trúng tay nên B không chết. + Hậu quả chết người có trường hợp không phải do một nguyên nhân gây ra mà do nhiều nguyên nhân cùng gây ra, thì cần phải phân biệt nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân nào là thứ yếu. Nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân mà nếu không có nó thì hậu quả không xuất hiện, nó quyết định những đặc trưng tất yếu chung của hậu quả ấy, còn nguyên nhân thứ yếu là nguyên nhân chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời cá biệt không ổn định của hậu quả; khi nó tác dụng vào kết quả thì chỉ có tính chất hạn chế và phục tùng nguyên nhân chủ yếu, ví dụ: Có nhiều người cùng đánh một người, người bị đánh chết là do đòn tập thể, nhưng trong đó có hành vi của một người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết cho nạn nhân, còn hành vi của những người khác chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Dù là chủ yếu hay thứ yếu thì tất cả những người có hành vi đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng mức độ có khác nhau. Trong thực tế chúng ta còn thấy hậu quả chết người xảy ra có cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân tự nó sinh ra kết quả, nó có tính chất quyết định rõ rệt đối với hậu quả, còn nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân chỉ góp phần gây ra hậu quả. Thông thường, hành vi là nguyên nhân trực tiếp mới phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả, còn đối với hành vi là nguyên nhân gián tiếp thì không phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả, ví dụ: A cho B mượn súng để đi săn, nhưng B đã dùng súng đó để bắn chết người. Tuy nhiên, trong vụ án có đồng phạm thì hành vi của tất cả những người đồng phạm là nguyên nhân trực tiếp. 13
- Khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần phân biệt nguyên nhân với điều kiện. Điều kiện là những hiện tượng khách quan hoặc chủ quan, nó không trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng nó đi với nguyên nhân trong không gian và thời gian, ảnh hưởng đến nguyên nhân và bảo đảm cho nguyên nhân có sự phát triển cần thiết để sinh ra hậu quả. Nếu một người có hành vi không liên quan đến việc giết người và người đó không biết hành vi của mình đã tạo điều kiện cho người khác giết người, thì không phải chịu trách nhiệm về tội giết người. Những dấu hiệu khác như: thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm đối với hành vi giết người, chứ không có ý nghĩa định tội. Các tội phạm giết người trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được quy định trong Chương XII (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người), từ Điều 93 đến Điều 96. Tương tự, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội phạm giết người được quy định trong Chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người), từ Điều 123 đến Điều 126. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này, tác giả chỉ phân tích trong giới hạn tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; 14
- đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.” Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; 15
- đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.” Điểm khác nhau cơ bản duy nhất giữa hai điều luật nêu trên là Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm một khung hình phạt giảm nhẹ so với Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (khoản 3, quy định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội), còn các nội dung khác của Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 được kế thừa hoàn toàn từ Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ sửa đổi một số thuật ngữ là tình tiết định khung tại khoản 1: sử dụng cụm từ “Giết 02 người trở lên” thay cho cụm từ “Giết nhiều người” (điểm a); 16
- sử dụng cụm từ “Giết người dưới 16 tuổi” thay cho cụm từ “Giết trẻ em” (điểm b). Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hai khung hình phạt, khoản 1 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt cao nhất đến tử hình) và khoản 2 là tội phạm rất nghiêm trọng (hình phạt cao nhất đến 15 năm tù). Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm khung hình phạt thứ ba - khoản 3 là tội phạm nghiêm trọng (hình phạt cao nhất đến 05 năm tù). Nếu hành vi giết người phạm vào một trong 16 tình tiết định tội nêu trên (từ điểm a đến điểm q), người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Việc xử phạt ở mức độ nào là tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng trường hợp, đồng thời phải cân nhắc, đánh giá nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi giết người không phạm vào một trong 16 tình tiết định tội nêu trên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết tăng nặng định khung tăng nặng. Lẽ ra trường hợp phạm tội này phải là cấu thành cơ bản, nhưng do kỹ thuật và truyền thống lập pháp nên đối với tội giết người nhà làm luật xây dựng cấu thành tăng nặng trước, sau đó mới đến cấu thành cơ bản. Đối với Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu hành vi giết người bị phát hiện, ngăn chặn ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, có khung hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù. 1.1.2. Điều tra tội giết người Trong khoa học hình sự, “điều tra vụ án hình sự” là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong giai đoạn này Cơ quan điều tra và những cơ quan khác 17