Luận văn Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- luan_van_giam_doc_tham_vu_an_hinh_su_theo_phap_luat_to_tung.pdf
Nội dung text: Luận văn Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Nguyễn Xuân Hùng GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI - 2018
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Nguyễn Xuân Hùng GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự Mã số : 8.38.01.04 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN VĂN HUYÊN HÀ NỘI - 2018
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong luận văn đảm bảo độ tin cậy, chính xác và trung thực. Những kết luận khoa học của luận văn chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. TÁC GIẢ LUẬN VĂN Nguyễn Xuân Hùng
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁM ĐỐC THẨM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ 7 1.1. Khái niêm giám đốc thẩm vụ án trong tố tụng hình sự 7 1.2. Đặc điểm giám đốc thẩm vụ án hình sự 11 1.3. Ý nghĩa của giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự 21 CHƯƠNG 2: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ GIÁM ĐỐC THẨM VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 24 2.1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về giám đốc thẩm 24 2.2. Thực trạng áp dụng các quy định về giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh 43 CHƯƠNG 3: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 55 3.1. Quan điểm hoàn thiện pháp luật 55 3.2. Các giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật 57 3.3. Giải pháp nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh 62 KẾT LUẬN 72 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
- DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT BLHS : Bộ luật hình sự BLTTDS : Bộ luật tố tụng dân sự BLTTHS : Bộ luật tố tụng hình sự HĐXX : Hội đồng xét xử TAND : Tòa án nhân dân TANDTC : Tòa án nhân dân tối cao VKS : Viện kiểm sát VKSND : Viện kiểm sát nhân dân VKSNDTC : Viện kiểm sát nhân dân tối cao XHCN : Xã hội chủ nghĩa
- MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài. Chủ trương của Đảng và Nhà Nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh mọi hành vi phạm tội, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm. Hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng hình sự trong đó có thủ tục giám đốc thẩm nói riêng đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả áp dụng, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn để một mặt bảo vệ trật tự pháp luật, lợi ích của xã hội, mặt khác tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thời gian qua việc áp dụng thủ tục giám đốc thẩm các vụ án hình sự đã đạt được nhiều kết quả, giúp phần khắc phục những sai sót trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo và người tham gia tố tụng. Tuy vậy, tố tụng hình sự là một quá trình rất phức tạp và trong bất kì giai đoạn nào cũng có thể tồn tại những sai lầm nhất định. Những sai lầm đó có thể gặp trong giai đoạn điều tra khi cơ quan điều tra tiến hành thu thập chứng cứ, giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử khi VKS truy tố hoặc toà án xét xử. Chính vì vậy, thủ tục giám đốc thẩm được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự và việc áp dụng quy định của pháp luật để có khắc phục những sai sót trong khâu áp dụng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định nhiệm vụ: “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ”. Trên tinh thần đó, BLTTHS năm 2015 đã hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị, nhằm khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ, qua đó nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế như hiện nay. 1
- Việc nghiên cứu làm sáng tỏ về mặt lý luận và các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về giám đốc thẩm; chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và nguyên nhân của những hạn chế đó, từ đó đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật tó tụng hình sự về giám đốc thẩm, là một yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Đặc biệt là kể từ khi Luật tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực (ngày 01/6/2015) thì TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giám đốc thẩm các vụ án hình sự. Thực tiễn áp dụng thủ tục giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nội dung mới cần được nghiên cứu. Từ những lý do trên tôi đã chọn đề tài: “Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét xử của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh” làm Luận văn Thạc sĩ luật học. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài. Qua nghiên cứu các công trình khoa học đã công bố, cho thấy có một số công trình đề cập về giám đốc thẩm hình sự như sau: - Về Giáo trình: Trường Đại học Luật Hà nội (2008), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội; Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà nội (2013), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; và Giáo trình Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam của các cơ sở đào tạo luật khác ở nước ta. - Về Bình luận khoa học có các công trình: GS.TS Võ Khánh Vinh (chủ biên) (2004), Bình luận khoa học BLTTHS, NXB Công an nhân dân, Hà Nội; GS.TS Nguyễn Ngọc Anh (chủ biên) (2011), Bình luận khoa học BLTTHS năm 2003, NXB Chính trị Quốc gia, Hà nội; PGS.TS Nguyễn Văn Huyên, TS Lê Lan Chi (chủ biên) (2016), Bình luận khoa học BLTTHS năm 2015, NXB Lao động, Hà Nội. - Nghiên cứu dưới góc độ Luận án Tiến sĩ Luật học, có công trình: Phan Thị Thanh Mai (2007), Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luật án Tiến sĩ Luật học, bảo vệ tại Trường Đại học Luật Hà Nội. 2
- - Nghiên cứu dưới góc độ Luận văn Thạc sĩ Luật học có các công trình: Nguyễn Thị Hạnh Vân (2015), Giám đốc thẩm trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk), Luật văn Thạc sĩ Luật học, bảo vệ tại Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; Quản Thị Ngọc Thảo (2007), Giám đốc thẩm: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn Thạc sĩ Luật học, bảo vệ tại Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Văn Tuấn (2017), Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét xử của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội – Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài ra còn một số bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành như: Nguyễn Quang Hiền, “Một số vấn đề về thủ tục giám đốc thẩm”, Tạp chí TAND, số 7 năm 2009; Vũ Gia Lâm, Lê Kim Quế, “Một số vấn đề về giám đốc thẩm hình sự”, Tạp chí TAND, số 14 năm 2006; Nguyễn Văn Trượng, “Thực trạng thi hành quy định của BLTTHS về phạm vi giám đốc thẩm và những vấn đề cần hoàn thiện”, Tạp chí TAND, số 7 năm 2011; Đinh Văn Quế, “Vấn đề kháng nghị giám đốc thẩm về “dân sự” trong vụ án hình sự”, Tạp chí TAND, số 9 năm 2005; Đinh Văn Quế, “Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo BLTTHS năm 2003”, Tạp chí TAND, số 22 năm 2004; Kỷ yếu Hội thảo “Kỹ năng giải quyết đơn, án giám đốc thẩm, tái thẩm” của VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 04/11/2015. Qua nội dung các công trình nghiên cứu dưới góc độ Luận án Tiến sĩ Luật học, Luận văn Thạc sĩ Luật học và các bài viết nêu trên cho thấy đề tài về thủ tục giám đốc thẩm đã được một số nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu và những người làm công tác thực tiễn quan tâm nghiên cứu. Các tác giả đã nghiên cứu những vấn đề cơ bản về giám đốc thẩm và có những kiến nghị, đề xuất có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn. Nhưng xét về nội dung, một số công trình có phạm vi nghiên cứu quá rộng, ngược lại một số công trình chỉ nghiên cứu một số khía cạnh nhất định liên quan thủ tục giám đốc thẩm, như phát hiện một số bất cập trong luật thực định cũng như một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Một số vấn đề về mặt lý 3
- luận liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm chưa được làm rõ. Mặt khác, hoạt động xét xử giám đốc thẩm có nhiều thay đổi kể từ khi khi Luật tổ chức TAND năm 2014, Luật tổ chức VKSND năm 2014 và BLTTHS năm 2015 được áp dụng, còn nhiều vấn đề lý luận, nhiều khía cạnh pháp lý nhất là thực tiễn áp dụng của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cần được tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện và chuyên sâu hơn. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. 3.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu làm rõ những vấn đề về lý luận và khảo sát làm rõ thực trạng áp dụng thủ tục giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục tiêu trên, trong quá trình nghiên cứu phải thực hiện được các nhiệm vụ sau: - Nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống những vấn đề lý luận về thủ tục giám đốc thẩm nhằm đưa ra khái niệm làm rõ các đặc điểm, khái quát những vấn đề chung về giám đốc thẩm; - Nghiên cứu những quy định cụ thể về thủ tục giám đốc thẩm trong BLTTHS hiện hành của Việt Nam, từ đó rút ra những bất cập của các quy định về thủ tục giám đốc thẩm trong luật thực định Việt Nam cần khắc phục; - Khảo sát thực trạng áp dụng các quy định về giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế xung quanh việc áp dụng và những nguyên nhân của nó. - Đề xuất các giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục giám đốc thẩm trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. 4
- 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 4.1. Đối tượng nghiên cứu Những vấn đề lý luận cơ bản về thủ tục Giám đốc thẩm trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn áp dụng thủ tục giám đốc thẩm, trên cơ sở tiếp cận các văn bản pháp luật có liên quan, chủ yếu là văn bản pháp luật tố tụng hình sự ban hành từ năm 1988 đến nay. Tập trung chủ yếu vào thủ tục giám đốc thẩm trong mối liên hệ với các chế định khác của tố tụng hình sự. - Về không gian: Thực tiễn xét xử của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở các vụ án được TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. - Về thời gian: từ khi thành lập TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/6/2015 đến 31/01/2018. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. 5.1. Phương pháp luận: Đề tài Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận là Phép biện chứng duy vật; Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật, những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, về cải cách tư pháp. 5.2. Phương nghiên cứu cụ thể: - Phương pháp phân tích, thống kê, so sánh, tổng hợp được sử dụng trong quá trình phân tích các quy định của pháp luật hiện hành và so sánh với các quy định của pháp luật trước đó. - Phương pháp nghiên cứu điển hình được sử dụng trên cơ sở nghiên cứu một số vụ án điển hình đã xét xử. 5
- - Phương pháp chuyên gia được sử dụng trên cơ sở tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên gia có trình độ cao trong ngành Tòa án và VKS để xem xét, nhận định và tìm ra giải pháp về vấn đề nghiên cứu. - Phương pháp điều tra xã hội học được sử dụng trên cơ sở điều tra quan điểm của những người trực tiếp làm công tác giám đốc thẩm hình sự của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn. 6.1. Về mặt khoa học: Đề tài đã góp phần làm rõ bản chất pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành thủ tục giám đốc thẩm trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và đề ra giải pháp hoàn thiện một số vấn đề lý luận về thủ tục giám đốc thẩm. 6.2. Về mặt thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu của Đề tài góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định về giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa như vậy, kết quả nghiên cứu của Đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. 7. Kết cấu của luận văn. Đề tài ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo thì nội dung được chia làm 3 chương như sau: - Chương 1: Những vấn đề lý luận về giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự. - Chương 2: Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về giám đốc thẩm và thực trạng áp dụng của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. - Chương 3: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng giám đốc thẩm vụ án hình sự của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. 6
- Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁM ĐỐC THẨM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ 1.1. Khái niệm giám đốc thẩm vụ án trong tố tụng hình sự. Tòa án là cơ quan xét xử của nhà nước, hoạt động xét xử của Tòa án là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước nhằm xem xét, đánh giá và ra phán quyết về tính hợp pháp và tính đúng đắn của hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là kết quả của quá trình tố tụng, đánh dấu sự kết thúc của quá trình điều tra, truy tố và xét xử có ý nghĩa trên nhiều phương diện, do vậy phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ áp dụng quy định của luật tố tụng hình sự nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đều được giải quyết đúng pháp luật, khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội mà có một số trường hợp vẫn còn phát hiện những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Việc khắc phục những sai lầm, vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án là việc làm cần thiết để bảo đảm tính đúng đắn của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Vấn đề nêu trên đặt ra cần phải có một cơ chế để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng được phản ánh cụ thể thông qua các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, pháp luật tố tụng hình sự ở bất kỳ quốc gia nào cũng đặt ra cơ chế xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Để cho chắc chắn hơn trong việc áp dụng pháp luật, nhiều quốc gia đặt thêm một Tòa án ở trên Tòa thượng thẩm để xét lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới. Tòa này sẽ xem xét và quyết định bản án của Tòa án cấp dưới đã xử đúng hay sai; nếu sai thì Tòa này tuyên hủy án đã xử và cho xử lại và nếu đúng thì y án. Chính vì 7
- vậy mà Tòa án này được gọi là Tòa phá án. Nhờ thẩm quyền xét lại ản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa phá án duy trì được sự áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn lãnh thổ [16, tr. 269]. Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được hiểu đó là hoạt động thẩm tra, xem xét lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án hoặc quyết định đó có phù hợp với các quy định của pháp luật không và quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng có tuân thủ những quy định của luật tố tụng hình sự không. Xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là một thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự trong đó có thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Lý do coi giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự bởi lẽ giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử như cấp xét xử sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm. Trong luật tố tụng hình sự cũng như tổ chức tư pháp người ta thường đề cập tới cấp xét xử. Tuy nhiên, thế nào là cấp xét xử lại chưa được đề cập đến trong khoa học pháp lý nước ta. Trong khoa học pháp lý Liên xô cũ, người ta quan niệm cấp xét xử như là “giai đoạn xem xét vụ án tại Toà án với thẩm quyền xác định”. Xuất phát từ đây, có quan điểm cho rằng trong tố tụng hình sự tồn tại các cấp xét xử là xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Quan điểm này xác định cũng như ở giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ở giai đoạn giám đốc thẩm tất yếu phải trải qua một chuỗi các công đoạn với những hoạt động cụ thể và đều phải tuân theo những thủ tục bắt buộc do luật tố tụng hình sự quy định. Là một giai đoạn tố tụng, giám đốc thẩm vụ án hình sự cũng có sự bắt đầu và kết thúc. Sự bắt đầu của giai đoạn giám đốc thẩm là việc phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án, còn quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn giám đốc thẩm. Theo quan niệm này thì cấp xét xử đơn thuần là khái niệm tố tụng chung, thể hiện một giai đoạn xét xử nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo tác giả khái niệm cấp xét xử không phải là khái niệm tố tụng đơn thuần. Cấp xét xử là hình thức tổ chức tố tụng thể hiện quan điểm của Nhà nước về xét xử các vụ án nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan trong phán quyết của Toà án, bảo vệ các quyền tự do dân chủ 8
- của công dân. Vì vậy, các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc vụ án có thể được tổ chức xét xử nhiều lần và tổ chức hệ thống Toà án để thực hiện nguyên tắc đó trong thực tế. Cấp xét xử không đơn thuần chỉ là thủ tục tố tụng nó còn liên quan nhiều đến cách tổ chức tố tụng, tổ chức Toà án để thực hiện việc xét xử lại vụ án. Hiện nay, trong pháp luật quốc tế cũng như các quốc gia đều thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Điều này có nghĩa là vụ án mà bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định được Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Còn các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự. Quan điểm này khẳng định giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, do đó nó không phải tuân thủ theo một số quy định bắt buộc của pháp luật tố tụng hình sự như: Thu thập tài liệu, chứng cứ; triệu tập bị cáo, bị hại, người làm chứng; đưa vụ án ra xét xử Việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được tiến hành theo một thủ tục đặc biệt mà không được xem là cấp xét xử thứ ba vì nếu xác định giám đốc thẩm là một cấp xét xử sẽ dẫn tới hai hệ quả là sự quá tải của bộ máy tư pháp và sự chậm trễ trong việc thực thi công lý. Khi nghiên cứu khái niệm ta phải phân biệt rõ giám đốc thẩm vụ án hình sự với “giám đốc việc xét xử” và phân biệt thủ tục “giám đốc thẩm” với “tái thẩm”: - Giám đốc việc xét xử là hoạt động kiểm tra, giám sát của Tòa án cấp trên đối với việc xét xử của Tòa án cấp dưới. Từ quan điểm này, có nhiều ý kiến cho rằng thủ tục giám đốc thẩm chính là giám đốc việc xét xử. Theo tác giả quan điểm này là chưa chính xác, vì giám đốc việc xét xử là việc Tòa án cấp trên kiểm tra hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới về công tác xét xử thông qua đó kịp thời uốn nắn, sửa chữa hoặc hủy bỏ những sai lầm, thiếu sót nhằm đảm bảo bản án được ban hành đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Giám đốc xét xử bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: Kiểm tra, phát hiện những thiếu sót thông qua đoàn thanh tra; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và của các công dân khác; thẩm định lại 9
- các bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp dưới; hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật; tổ chức tổng kết kinh nghiệm hàng năm của TANDTC. Giám đốc việc xét xử không chỉ thực hiện khi Tòa án đã ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà được tiến hành trong suốt quá trình tiến hành tố tụng của Tòa án. Thông qua giám đốc việc xét xử, khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có sai phạm, Tòa án cấp trên có quyền kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đó. Như vậy, giám đốc việc xét xử là một hoạt động của Tòa án, không phải là thủ tục tố tụng và được phân biệt với thủ tục giám đốc thẩm. - Giám đốc thẩm và tái thẩm đều là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật với cơ quan có thẩm quyền xét xử là tương đương nhau. Còn khác nhau cơ bản là giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Từ góc độ ngôn ngữ học, theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có cụm từ “giám đốc thẩm” mà chỉ giải nghĩa từ “giám đốc” là “đôn đốc và giám sát” và “thẩm” là “xét kỹ” [65]. Theo Từ điển Pháp - Việt danh từ “cassation” có nghĩa là “sự phá án” [63]; còn từ điển Anh - Việt lại giải nghĩa danh từ “cassation” có nghĩa là “sự huỷ bỏ” [64]. Từ góc độ khoa học pháp lý, giám đốc thẩm là một giai đoạn tố tụng có mục đích kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật [70, tr. 88]. Giám đốc thẩm còn được hiểu là: “Xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lí vụ án” [53, tr. 172]. Theo tác giả Đinh Văn Quế thì “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án”. [24, tr. 318]. Theo tác giả Nguyễn Văn Tuấn 10
- thì “Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình nhằm xác định và khắc phục những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án dựa trên những căn cứ kháng nghị của người có thẩm quyền kháng nghị theo qui định của pháp luật”. [56, tr. 12] Qua nghiên cứu khái niệm giám đốc thẩm, tác giả chia thủ tục giám đốc thẩm làm hai giai đoạn cơ bản là giai đoạn kháng nghị giám đốc thẩm và giai đoạn xét xử giám đốc thẩm. Giai đoạn kháng nghị giám đốc bắt đầu khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án và kết thúc khi người có thẩm quyền kháng nghị ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Giai đoạn này phải tuân theo những quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm Giai đoạn xét xử giám đốc thẩm bắt đầu khi có kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền và kết thúc khi HĐXX ban hành quyết định giám đốc thẩm. Giai đoạn này phải tuân theo những quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm, thủ tục phiên toà giám đốc thẩm, phạm vi giám đốc thẩm và thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm Qua những phân tích nêu trên có thể hiểu một cách khái quát về thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự. Tác giả đưa ra khái niệm về giám đốc thẩm vụ án hình sự: “Giám đốc thẩm vụ án hình sự là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự gồm hai giai đoạn kháng nghị giám đốc thẩm và xét xử giám đốc thẩm nhằm xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Có thể nói, từ nhiều góc độ sẽ có các quan điểm khác nhau về giám đốc thẩm vụ án hình sự. Và để có cái nhìn bao quát về khái niệm cũng như bản chất của giám đốc thẩm vụ án hình sự cần phải nghiên cứu làm rõ đặc điểm của giám đốc thẩm vụ án hình sự. 1.2. Đặc điểm giám đốc thẩm vụ án hình sự. 1.2.1. Đối tượng của giám đốc thẩm. “Giám đốc thẩm là xử lại một bản án của Tòa án cấp dưới" [20, tr. 740]. Theo quan điểm này thì bản án của Tòa án cấp dưới là đối tượng của giám đốc 11
- thẩm. Theo tác giả thì khái niệm này chưa làm rõ được nội hàm của thủ tục giám đốc thẩm vì nếu việc xét xử lại một bản án của Tòa án cấp dưới mà bản án, quyết định đó chưa có hiệu lực pháp luật thì không được xem là thủ tục giám đốc thẩm mà là thủ tục xét xử phúc thẩm, đó là những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nhưng có kháng cáo của các bên đương sự, hoặc kháng nghị của người có thẩm quyền. Đối tượng của việc xét lại theo trình tự giám đốc thẩm rộng hơn đối tượng của xét xử phúc thẩm. Nó có thể là bất kỳ bản án hoặc quyết định nào của Tòa án án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Người có thẩm quyền kháng nghị cũng có quyền kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để Tòa án có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm. Đối với trường này thì đối tượng của giám đốc thẩm có thể chỉ là một phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, còn phán quyết của Tòa án về các phần khác không bị kháng nghị vẫn có hiệu lực thi hành. Vậy khác với sơ thẩm, phúc thẩm “đối tượng của giám đốc thẩm là bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới về vụ án chứ không phải chính vụ án” [18, tr. 470]. Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bao gồm: Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị theo quy định của pháp luật; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của các TAND cấp cao. Dường như tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đều là đối tượng của giám đốc thẩm. Vậy một vụ án có thể kéo dài không có điểm dừng do cấp phúc thẩm hủy án của cấp sơ thẩm hoặc HĐXX giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật và cứ như vậy lặp đi lặp lại. Cần phải có một phán quyết của Tòa án có thẩm quyền cao nhất để khép lại vụ án, chấm dứt vòng lặp nêu trên. Chính vì lý do như vậy, các quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không bị kháng nghị, vì đây là cơ quan xét xử cao nhất nên phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cuối cùng, đánh dấu sự kết thúc của một vụ án. 1.2.2. Cơ sở phát sinh thủ tục giám đốc thẩm. 12
- Đối với thủ tục xét xử sơ thẩm thì cơ sở phát sinh là khi có Cáo trạng của VKS, đối với thủ tục phúc thẩm thì cơ sở để phát sinh là bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị của VKS. Đối với thủ tục giám đốc thẩm được phát sinh khi người có thẩm quyền kháng nghị biết được bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vậy bằng cách nào người có thẩm quyền kháng nghị biết được bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng? Người có thẩm quyền kháng nghị biết được thông qua sự thông báo của cá nhân hoặc tổ chức về những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc phát hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và thông báo với người có thẩm quyền kháng nghị là quyền của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào. Người phát hiện có thể là cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng, người bị kết án, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự hoặc các cá nhân khác. Ngoài ra, các bài trên báo, phát thanh truyền hình hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác phát hiện về những vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháo luật cũng là một trong những nguồn tin quan trọng để VKS và Tòa án kiểm tra lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc phát hiện những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và bào cho người có thẩm quyền kháng nghị không chỉ là quyền hạn mà còn là trách nhiệm của VKS và Tòa án các cấp. Phần lớn những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với các Tòa án cấp dưới, hoạt động kiểm sát việc xét xử của VKS, qua các hội nghị tổng kết, sơ kết ngành TAND, VKSND Tóm lại, việc phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm không bị giới hạn bởi cá nhân hay tổ chức nào. Hình thức thông báo cũng rất đa dạng, có thể bằng văn bản cũng có thể trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc cũng 13
- có thể thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với Tòa án, VKS nơi gần nhất. Việc phát hiện chính xác, nhanh chóng sẽ giúp cho việc sửa chữa kịp thời những vi phạm pháp luật của Tòa án trong công tác xét xử. Hoạt động phát hiện giữ vai trò là tiền đề cho việc kháng nghị giám đốc thẩm. Thực tiễn cho thấy có nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án nhưng không được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì không phát hiện được hoặc phát hiện không kịp thời nên hết thời hạn kháng nghị. Vậy có thể nói thủ tục giám đốc thẩm phát sinh khi người có thẩm quyền kháng nghị phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 1.2.3. Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự. Để làm rõ đặc điểm kháng nghị giám đốc thẩm là gì luận văn phải tìm hiểu các thế nào là “kháng nghị”, người có thẩm quyền kháng nghị là ai và căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm là gì. Theo Từ điển tiếng Việt thì “Kháng nghị là bày tỏ ý kiến phản đối bằng văn bản chính thức” [66, tr. 492] cũng theo Từ điển tiếng Việt thì “Kháng nghị là bày tỏ ý kiến phản đối một việc gì” [69, tr. 345]. Còn theo Từ điển mở Wiktionary thì “Kháng nghị là bày tỏ ý kiến chống lại điều đã quyết nghị”. Theo các khái niệm nêu trên thể hiện thì kháng nghị là việc phản đối bằng văn bản đối với một vấn đề đã được được định đoạt, đối chiếu vào pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam thì đó là sự phản đối lại bản án, quyết định của Tòa án. Theo Từ điển Luật học thì “Kháng nghị là việc người có thẩm quyền, bằng văn bản của mình gửi đến Tòa án có thẩm quyền làm ngừng hiệu lực phán quyết của Tòa án trong bản án, quyết định để xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhằm làm cho vụ án được xét xử chính xác, khách quan và đúng pháp luật” [62, tr. 249]. Tuy nhiên, khái niệm này theo tác giả cũng chưa hoàn toàn chính xác ở chỗ mặc dù kháng nghị là phân tích chỉ ra những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng nếu trong phần nội dung của quyết định kháng nghị không quyết định về việc tạm hoãn thi hành bản án, quyết định đã có 14