Luận văn Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - Thực trạng và giải pháp

pdf 105 trang vuhoa 25/08/2022 6120
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - Thực trạng và giải pháp", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfluan_van_dau_tranh_phong_chong_toi_pham_buon_lau_o_nuoc_ta_t.pdf

Nội dung text: Luận văn Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - Thực trạng và giải pháp

  1. Đại học quốc gia Hà Nội Khoa luật Hoàng Anh Tuấn Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - Thực trạng và giải pháp Luận văn thạc sĩ luật học Hà Nội - 2003
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT HOÀNG ANH TUẤN ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN LẬU Ở NƯỚC TA - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CHUYÊN NGÀNH: LUẬT HÌNH SỰ MÃ SỐ: 5.05.14 TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI - 2003
  3. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BUÔN LẬU, TỘI PHẠM BUÔN LẬU VÀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN LẬU 1.1. Nhận thức chung về buôn lậu và tội phạm buôn lậu 5 1.2. Nhận thức chung về đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu 22 CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH TỘI PHẠM BUÔN LẬU Ở NƯỚC TA TRONG 5 NĂM (TỪ 1998 - 2002) 2.1. Thực trạng tình hình tội phạm buôn lậu ở nước ta trong 5 năm (từ 1998 đến 2002) 28 2.2. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm buôn lậu 55 CHƯƠNG 3 NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN LẬU Ở NƯỚC TA 3.1. Dự báo tình hình kinh tế-xã hội và hoạt động buôn lậu, tội phạm buôn lậu trong thời gian tới 67 3.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu 76 KẾT LUẬN 90 Phụ lục 91 Tài tham khảo 93
  4. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ở nước ta, trong nhiều năm gần đây, tình hình buôn lậu và tội phạm buôn lậu đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô đến chủng loại hàng hoá và thiệt hại gây ra. Hoạt động buôn lậu hình thành nên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nóng bỏng ở biên giới phía Bắc, phía Tây và Tây Nam Bộ, trải dài từ biên giới đất liền đến biên giới trên biển, các cửa khẩu đường không, đường biển, đường bộ, ở đâu cũng có buôn lậu. Đối tượng tham gia buôn lậu ngày càng đa dạng với các thành phần khác nhau trong xã hội, từ bọn buôn lậu chuyên nghiệp đến cả những cán bộ, đảng viên tha hoá, biến chất trong bộ máy cơ quan nhà nước, trong lực lượng vũ trang, trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và cả người nước ngoài đến Việt Nam công tác, thăm thân hay du lịch Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Để có được lợi nhuận bọn tội phạm buôn lậu không bỏ qua một phương thức, thủ đoạn nào, từ những hoạt động lén lút bí mật đến công khai trắng trợn, từ lợi dụng những thiếu sót trong quản lý biên giới của các cơ quan nhà nước, lợi dụng các kẽ hở trong chính sách xuất nhập khẩu đến dùng tiền, lợi ích vật chất móc nối với những cán bộ, đảng viên tha hoá, biến chất trong các cơ quan nhà nước để buôn lậu. Đồng thời, để chống lại các cơ quan chức năng, tội phạm buôn lậu còn lôi kéo sử dụng dân thường, đối tượng chính sách vận chuyển hàng thuê. Khi bị phát hiện thì chính những người dân nghèo, đối tượng chính sách làm thuê này trở thành lực lượng gây sức ép chống lại các cơ quan chức năng để tẩu tán hàng hoá buôn lậu. Buôn lậu nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng đang từng ngày, từng giờ phá hoại kinh tế nước ta, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như làm đình trệ, phá sản các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước; làm nghèo đi các nguồn lợi tự nhiên Bên cạnh đó, buôn lậu còn làm giảm uy tín, hiệu lực quản lý của nhà nước; góp phần gia tăng nhiều tiêu cực trong xã 1
  5. hội và tội phạm khác, như tham nhũng; vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; đưa hối lộ, nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả Do vậy, buôn lậu là một thứ "quốc nạn" gây nhiều tác động xấu đến kinh tế, chính trị, văn hoá và an ninh trật tự và là một trong những thách thức, nguy cơ cản trở quá trình đổi mới đất nước. Những năm vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu đã được Đảng và Nhà nước ta tập trung thực hiện, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Các cơ quan chức năng chống buôn lậu ở nước ta đã phát hiện hàng chục ngàn vụ buôn lậu với giá trị hàng hoá phạm pháp lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó có những đường dây lớn như vụ Mai Văn Huy (Đồng Tháp), Tân Trường Sanh (TP. Hồ Chí Minh), vụ Hang Dơi (Lạng Sơn), vụ Trảng Bàng (Tây Ninh) Tuy nhiên, số vụ buôn lậu bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua mới chỉ bằng khoảng 10% số vụ buôn lậu xảy ra. Trước tình hình buôn lậu có những diễn biến phức tạp nêu trên, việc nghiên cứu các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm này vẫn phải tiếp tục để có thể từng bước ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi loại tội phạm này trong xã hội, góp phần làm lành mạnh nền kinh tế đất nước. Với các lý do nêu trên, tác giả viết luận văn cao học luật đề tài “Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - Thực trạng và giải pháp” nhằm đáp ứng được tính cấp thiết thực tế đòi hỏi hiện nay và mong muốn góp phần mình vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng trên đất nước ta. 2. Tình hình nghiên cứu Như trên đã phân tích, buôn lậu và đấu tranh chống buôn lậu hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng cần có sự quan tâm, đáng giá đúng mức. Vì vậy, vấn đề này đã được đề cập trong một số công trình khoa học, bài viết đăng trên các báo và tạp chí, cụ thể: sách tham khảo "Chống buôn lậu và gian lận thương mại" của tác giả Lê Thanh Bình, NXB Chính trị quốc gia 1998; "Buôn lậu và chống buôn lậu - Nhận diện và giải pháp" của tác giả Lê Văn Tới, NXB 2
  6. Chính trị quốc gia 2000; Đề tài khoa học cấp bộ "Đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc" của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học Công an, năm 2000. Bên cạnh đó, còn có một vài luận văn thạc sĩ, luận văn cử nhân như: "Đấu tranh phòng chống tội buôn lậu và vận chuyển hàng hoá, tiền tệ trái phép qua biên giới" của ThS. Nguyễn Văn Giàu; "Công tác phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biển miền Trung của Bộ đội biên phòng" của ThS. Nguyễn Thành Luỹ 1996. Các công trình nghiên cứu này đã đề cập một cách khái quát về mặt lý luận của buôn lậu và tội phạm buôn lậu cũng như đề cập đến công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu của những cơ quan, lực lượng chức năng. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, mặc dù có các công trình đã được công bố, nhưng việc nghiên cứu về đấu tranh phòng chống tội phạm này vẫn phải tiếp tục ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mặt khác cũng phải thấy rằng, các công trình đó chưa đặt kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực nên các dự báo đưa ra chưa thực sự sát hợp với điều kiện thực tế hiện nay, các giải pháp đưa ra mới chỉ dừng lại ở khía cạnh đấu tranh chống buôn lậu và tội phạm buôn lậu mà chưa tìm ra giải pháp phòng ngừa thích hợp đối với loại tội phạm này. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu trong điều kiện hiện nay là cần thiết trong điều kiện nước ta từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. 3. Mục đích nghiên cứu Luận văn đi từ những vấn đề lý luận đến thực trạng tội phạm buôn lậu và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu để đưa ra những dự báo về tình hình tội phạm buôn lậu trong những năm tới. Trên cơ sở đó xây dựng giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với tội phạm buôn lậu, góp phần vào việc đẩy lùi tội phạm, xây dựng nền an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3
  7. * Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là làm rõ hơn những lý luận cơ bản về buôn lậu, tội phạm buôn lậu và các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu; thực trạng tình hình tội phạm buôn lậu ở nước ta trong thời gian 5 năm (từ năm 1998 đến 2002) và các đặc điểm tội phạm học của tội phạm buôn lậu, trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm buôn lậu; dự báo tình hình tội phạm buôn lậu ở nước ta trong những năm tới và từ đó đề ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này. * Phạm vi nghiên cứu của luận văn là: thực tiễn hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trong phạm vi toàn quốc ở Việt Nam, từ năm 1998 đến năm 2002. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: lịch sử, thống kê, phân tích tổng hợp, so sánh đối chiếu, trao đổi chuyên gia để phân tích tình hình tội phạm buôn lậu và luận chứng các vấn đề cần nghiên cứu trong phạm vi đề tài này. 6. Điểm mới của luận văn - Tổng kết những phương thức thủ đoạn mới nổi lên của tội phạm buôn lậu, đồng thời nghiên cứu làm rõ các đặc điểm tội phạm học của tội phạm buôn lậu và nguyên nhân, điều kiện tội phạm buôn lậu một cách hệ thống trên tất cả các tuyến biên giới. - Dự báo tình hình buôn lậu và tội phạm buôn lậu ở nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực để đưa ra những giải pháp đấu tranh phòng, chống thích hợp. 7. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, Luận văn có kết cấu chính gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề lý luận về buôn lậu, tội phạm buôn lậu và đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu 4
  8. Chương 2: Thực trạng tình hình tội phạm buôn lậu ở nước ta trong 5 năm (từ 1998 - 2002) Chương 3: Nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta 5
  9. CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BUÔN LẬU, TỘI PHẠM BUÔN LẬU VÀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN LẬU 1.1. NHẬN THỨC CHUNG VỀ BUÔN LẬU VÀ TỘI PHẠM BUÔN LẬU 1.1.1. Khái niệm buôn lậu và tội phạm buôn lậu Hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hoá xuất hiện từ khi nền kinh tế - xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định, của cải trong xã hội không những đủ đảm bảo cho đời sống của các thành viên trong xã hội mà còn có tích luỹ và dư thừa. Quá trình trao đổi, buôn bán lúc đầu chỉ là sự trao đổi những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất trong phạm vi nhỏ hẹp giữa các cá nhân có nhu cầu. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, trao đổi hàng hoá cũng không ngừng phát triển và làm xuất hiện tầng lớp thương nhân chuyên làm trung gian trao đổi hàng hoá giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hoạt động của tầng lớp thương nhân khiến cho việc trao đổi hàng hoá không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà còn ngày càng phát triển rộng trên phạm vi toàn cầu. Sự mở rộng phạm vi của hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, sản xuất dần đi tới sự chuyên môn hoá cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại quốc tế thì hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại cũng phát triển làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia tham gia thương mại quốc tế. Có thể nói buôn lậu là hiện tượng kinh tế - xã hội tiêu cực, phức tạp, xuất hiện trong hoạt động lưu thông hàng hoá cùng với sự ra đời của hàng rào thuế quan [37, tr.7]. Một trong những nguyên nhân tồn tại và phát triển của tình trạng buôn lậu là sự chênh lệch về giá cả và nhu cầu sử dụng hàng hoá ở các vùng địa lý khác nhau, giữa các nền kinh tế có sức sản xuất khác nhau. Khái niệm về buôn lậu cho đến nay vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số quốc gia trên Thế giới thì coi buôn lậu là hành vi gian lận thương mại đặc biệt nguy hiểm. Công ước Quốc tế Nairobi đã đưa ra khái 6
  10. niệm "buôn lậu là gian lận thương mại nhằm che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của hải quan bằng mọi thủ đoạn, phương tiện trong việc đưa hàng hoá lén lút qua biên giới" [37, tr.9]. Ở Việt Nam, "buôn lậu" có lúc được hiểu là "Mua bán lén lút, trái phép những hàng hoá thuộc diện Nhà nước cấm hoặc Nhà nước thống nhất quản lý"[7, tr.60]. Theo Từ điển Tiếng Việt, buôn lậu có nghĩa là “buôn bán hàng hoá trốn thuế hoặc hàng quốc cấm”[49, tr.87]; còn Từ điển Bách khoa Việt Nam thì định nghĩa “buôn lậu” là “hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hoá hoặc ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, những vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá mà Nhà nước cấm xuất khẩu hay nhập khẩu hoặc buôn bán hàng hoá nói chung mà trốn thuế và trốn sự kiểm tra của hải quan; hành vi buôn bán trốn thuế, lậu thuế những loại hàng hoá ở trong nước mà Nhà nước cấm kinh doanh”[22, tr.291]. Như vậy, có thể hiểu buôn lậu là buôn bán trái phép qua biên giới các loại hàng hoá, tiền tệ nói chung, kể cả các loại hàng cấm hoặc hàng không cấm, vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, tiền tệ mà nhà nước đã ban hành. Các hành vi buôn bán trái phép các loại hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được nhiều người thực hiện trong khoảng thời gian dài từ năm này sang năm khác, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng của nhà nước xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau mà vẫn không thể ngăn chặn, loại trừ được có thể gọi là tệ nạn buôn lậu. Tệ nạn buôn lậu tồn tại, phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả ở Việt Nam đã kéo dài hàng trăm năm. Để đấu tranh với nạn buôn lậu, nhiều nước trên thế giới nói chung và nhà nước ta nói riêng có quy định các hình thức xử lý khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi buôn bán trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Một trong những hình thức xử lý hành vi buôn lậu nghiêm khắc nhất là quy định hình phạt đối với tội phạm buôn lậu trong luật hình sự. Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-12-1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7- 7
  11. 2000 đã có quy định về tội phạm buôn lậu tại Điều 153, chương XVI - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Theo Điều 153, người nào buôn bán trái phép qua biên giới hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt về hành chính theo quy định tại Điều luật này (tái phạm hành chính) hoặc tại một trong các Điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm (tái phạm hình sự); vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; hàng cấm có số lượng lớn hoặc hàng cấm có số lượng chưa được coi là lớn nhưng lại tái phạm hành chính hoặc tái phạm hình sự thì cấu thành tội buôn lậu. Như vậy chúng ta có thể xây dựng một khái niệm chung nhất về tội buôn lậu như sau: Tội phạm buôn lậu là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại điều 153, Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, do cố ý bằng cách buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hoá, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, những vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, hàng cấm. 1.1.2. Khái quát tình hình buôn lậu ở Việt Nam Ở Việt Nam, buôn lậu xuất hiện từ rất sớm và được xem là một hiện tượng tiêu cực của kinh tế - xã hội. Những tập quán sinh hoạt, tâm lý xã hội và điều kiện địa lý, chính trị là những lý do đã góp phần làm cho người Việt Nam trong một thời gian dài không quen với hoạt động kinh doanh giao lưu thương mại và cung cách làm ăn lớn. Bên cạnh đó, ta thấy rằng trong suốt một thời gian dài, Nhà nước ta luôn phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, thời gian và công sức dành cho các hoạt động thương mại chưa nhiều. Tuy vậy, khi đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ và đặc biệt là từ triều đại nhà Lý (Thế kỷ X) đến các triều đại phong kiến Việt Nam (Trần, Lê, Nguyễn) đã rất chú ý đến vấn đề chống buôn bán gian lận qua biên giới. Khái niệm buôn lậu lúc đầu được hiểu chung chung bao gồm các hành vi buôn bán 8
  12. hàng cấm, buôn bán hàng trốn thuế, lậu thuế và cũng chỉ mới tập trung vào loại hàng hoá là thuốc phiện [50, tr.20]. Qua các giai đoạn lịch sử, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật khác nhau để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu và tội phạm buôn lậu. Năm 1149, vua Lý Anh Tông đã định ra chức quan Án sát để kiểm soát việc buôn bán của các tàu thuyền nước ngoài tại các tụ điểm quan trọng ở cửa ngõ biên giới, như bến Vân Đồn (một cửa biển thuộc huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Tại đây, án sát quan làm nhiệm vụ chỉ huy thuỷ binh để canh phòng, kiểm soát bờ biển và thu thuế những hàng hoá được buôn bán với nước ngoài [25, tr.32]. Đến nhà Lê, triều đình đặt ra chức Tuần ty để thu thuế ở các cửa ải và các khu chợ. Thời kỳ này, cả nước có khoảng 400 Tuần ty, điều này chứng tỏ rằng việc kiểm soát, thu thuế, ngăn chặn buôn lậu đã được Nhà nước phong kiến coi trọng. Nhà Lê còn ban hành chiếu chỉ cho các trấn lân cận phải dùng mọi cách để ngăn chặn việc gian thương chuyên chở ra nước ngoài các loại hàng quốc cấm, tiền, vàng bạc Điều 615, Bộ luật Hồng Đức (ban hành năm 1483) quy định: Biếm hoặc bãi chức An phủ ty nếu không ngăn chặn được việc chở hàng trốn thuế của người ngoại quốc phương Bắc; bên cạnh đó, triều đình sẽ trừng trị (hạ chức - biếm, đồ) nếu các quan vâng mệnh đi sứ nước ngoài chỉ lo buôn bán kiếm lời tư túi, nếu giấu diếm không khai với quan ải thì xử hạ chức hoặc bãi chức, đồ vật bị tịch thu sung công (Điều 221, Bộ luật Hồng Đức) [34, tr.95-96]. Cuối thời Lê, để ngăn chặn nạn lái buôn Trung Quốc mua gom hết gạo trong nhân dân, năm 1785, Chúa Trịnh đã chọn đất mở chợ, định giá mua bán rõ ràng và lệnh cho các trấn tuần xét vùng biển kỹ lưỡng, chống việc buôn bán trộm gạo ra nước ngoài bằng đường biển [25, tr.32]. Đồng thời, triều đình cũng rất chú trọng đến việc quản lý, khám soát thuyền buôn nước ngoài chở hàng vào Việt Nam. Theo Lê Quý Đôn, tại cảng Hội An thời Trịnh - Nguyễn, tàu buôn nước ngoài khi vào Hội An thì Thuyền trưởng và Tài phó phải trình cai bạ, sau khi cai bạ xác nhận đã làm tờ khai đầy đủ và báo cho cai tàu, Tuần ty đưa tàu vào bến 9
  13. cửa biển rồi bến Sở tuần; sau đó, các Nha đến khám xét, điểm mục kê khai của Thuyền trưởng, Tài phó về số người, hàng hoá. Thuyền trưởng phải kê khai cụ thể hoá vật trong tàu, nếu giấu diếm từ một vật trở lên khi khám thấy sẽ bị tịch thu và trị tội theo phép nước [24, tr.232-233]. Triều Gia Long còn có thể chế thành luật pháp về thuế quan, ngăn ngừa buôn lậu. Điều 133, Luật Gia Long quy định rõ: Tất cả các tàu buôn nước ngoài khi cập cảng phải khai báo ngay lập tức, đầy đủ và thành thật mọi loại hàng để chịu thuế Nhà nước, những hàng hoá không kê khai đầy đủ đều bị tịch thu sung công. Ai gian lận đem ra khỏi bờ cõi ngựa, bò, quân dụng hay sắt thép để làm khí giới hay tiền, tơ lụa, gấm vóc, bông vải để bán cho nước ngoài sẽ bị phạt một trăm trượng. Thuyền dùng để chở đều bị sung công, 3/10 của tổng số hàng hoá sẽ được dùng để thưởng cho người tố giác kẻ buôn lậu [50, tr.22]. Ngoài ra, triều đình đã ban hành lệnh cấm tất cả các thuyền buôn từ Tân Châu (Trung Quốc) vào Việt Nam và khám xét tất cả các thuyền buôn nước ngoài vào các cảng dọc theo bờ biển nước ta [40, tr.34]. Như vậy, các triều đình phong kiến Việt Nam từ Thế kỷ X đã rất chú ý đến việc chống buôn lậu, đặc biệt là tại các cảng và tàu buôn nước ngoài. Trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền, nhận thức rõ những tác động tiêu cực của tệ buôn lậu đối với nền kinh tế quốc dân nên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 27/SL ngày 10-9-1945 thành lập Sở thuế quan và thuế gián thu. Cơ quan này có nhiệm vụ thu thuế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chống buôn lậu thuốc phiện và giải quyết các vi phạm về thuế quan và thuế gián thu. Đồng thời, Nhà nước ta cũng đã ban hành Sắc lệnh số 50/SL ngày 09-10-1945 - là văn bản pháp luật hình sự đầu tiên của Chính phủ mới [50, tr.13], trong đó có quy định về cấm xuất cảng ngũ cốc. Điều 1, Sắc lệnh 50/SL ghi rõ: “Từ ngày Sắc lệnh này cho đến khi có Sắc lệnh mới, khắp toàn cõi Việt Nam cấm hẳn xuất cảng ra ngoại quốc thóc, gạo, ngô, đỗ hoặc các chế phẩm về ngũ cốc”. Ngày 21-8-1946, Nhà nước ban hành tiếp Sắc lệnh 160/SL cấm nhập 10
  14. cảng xe hơi, phụ tùng xe hơi, các máy móc và đồ vật bằng kim khí. Để xử lý những vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, ngày 15-8-1951, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời số 116/TTg quy định các hình thức xử phạt những vi phạm Điều lệ xuất nhập khẩu. Ngày 22-12-1952, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 225/TTg, trong đó quy định: Tịch thu thuốc phiện tàng trữ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép, phạt tiền từ 1 đến 5 lần giá trị của hàng hoá. Người vi phạm có thể bị truy tố trước Toà án nhân dân. Sau khi miền Bắc giải phóng, trong điều kiện đất nước bước vào thời kỳ cải tạo và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với việc tập trung khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, Nhà nước ta tiếp tục chú trọng đến việc đấu phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu nhằm bảo vệ sản xuất nội địa, mở rộng giao lưu thương mại. Nghị định số 580/TTg ngày 15-9-1955 đã quy định xử lý những trường hợp có thể đưa ra toà xét xử, trong đó có buôn lậu thuốc phiện mà nhiều người tham dự, dùng thủ đoạn gian lận. Ngày 03-7-1966, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 118/TTg về tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh chống đầu cơ buôn lậu trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: "Đối với các hoạt động đầu cơ buôn lậu cần phải xử lý nghiêm khắc theo các thể lệ Nhà nước đã ban hành". Chỉ thị cũng quy định: "Việc xử lý các vụ việc vi phạm sẽ căn cứ và các quy định của Sắc luật số 001/Sl ngày 14-4-1957, Nghị định số 163/TTg ngày 19-4- 1957". Có thể nói từ năm 1945 đến những năm cuối của thập kỷ 60, hoạt động chống buôn lậu của chúng ta chủ yếu tập trung vào phòng chống các tội phạm buôn lậu thuốc phiện và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, việc thống nhất và khôi phục nền kinh tế càng được Nhà nước ta quan tâm hơn. Đồng thời, để bảo hộ nền sản xuất trong nước, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/CP ngày 25-3-1977 về chống đầu cơ, buôn lậu. Đến năm 1982, nhằm ban hành những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn và có hiệu lực cao hơn để đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, ngày 30-6- 11
  15. 1982, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh chống đầu cơ, buôn lậu. Sau đó, ngày 10-5-1983, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 46/HĐBT quy định về việc xử lý hành chính đối với các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép. Tuy vậy, buôn lậu vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thời kỳ này, tội buôn lậu thường gắn với tội đầu cơ, kinh doanh trái phép; đối tượng tác động của tội phạm buôn lậu là các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của nhân dân, số lượng hàng hoá buôn lậu thường không lớn. Trước tình hình đó, năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 68/HĐBT ngày 25-4-1984 về chống buôn lậu và vận chuyển hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Cùng với sự phát triển của đất nước, Bộ luật Hình sự của nước ta, được Quốc hội thông qua ngày 27-6-1985 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động lập pháp của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy định về tội buôn lậu trong Bộ luật Hình sự năm 1985 đã có sự xác định rõ ranh giới giữa tội buôn lậu và các hành vi vi phạm hành chính về buôn lậu, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu. Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 97, Chương các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Điều luật này đã được Quốc hội sửa đổi lần thứ nhất vào ngày 18-12-1989 theo hướng cụ thể hoá đối tượng tác động của tội phạm buôn lậu là: các loại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá. Để ngăn chặn, đấu tranh mạnh hơn với tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hoá, tiền tệ trái phép qua biên giới, Quốc hội nước ta đã sửa đổi điều luật này lần thứ 2 vào ngày 22-12-1992 theo hướng quy định mức hình phạt nặng hơn (khung hình phạt cao nhất được tăng từ tù chung thân lên tử hình), hình phạt bổ sung có quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm; người phạm tội có thể bị phạt tiền đến gấp 10 lần giá trị hàng hoá phạm pháp; có thể bị tịch thu 12
  16. một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị tước một số quyền công dân từ 1 năm đến 5 năm. Trước những thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu thực tế của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã được Quốc hội sửa đổi và thông qua ngày 21-12-1999 (có hiệu lực thi hành vào ngày 01-7-2000). Theo đó, để thực hiện nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự, xử lý có phân biệt trong Luật hình sự nước ta, Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới ( Điều 97, Bộ luật Hình sự 1985) được tách thành hai tội: Tội buôn lậu (Điều 153, Bộ luật Hình sự 1999) và Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 154) [1, tr.186]; đồng thời, trên cơ sở xác định lại khách thể của tội phạm, tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới trước đây được chuyển về chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVI, Bộ luật Hình sự) [1, tr.181]. Nhìn chung, trong thời kỳ nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thì buôn lậu chỉ là một khái niệm bao gồm các hành vi buôn bán hàng cấm, buôn bán trốn lậu thuế. Khi kinh tế - xã hội chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì hoạt động buôn lậu lại càng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp hơn. Do đó, Nhà nước đã nhanh chóng xây dựng những chế định pháp luật phù hợp nhằm kịp thời điều chỉnh vấn đề này, trong đó luật Hình sự cũng quy định về tội danh buôn lậu một cách cụ thể và khái quát hơn. 1.1.3. Phân biệt tội buôn lậu với một số tội và hành vi tương tự Để phân biệt tội phạm buôn lậu với các hành vi tương tự cần nắm được các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này được quy định trong Bộ luật hình sự. Theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội buôn lậu cho thấy: Khách thể của tội buôn lậu là sự xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước về ngoại thương; xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước, chính sách bảo 13
  17. hộ sản xuất trong nước. Mặt khách quan của tội phạm buôn lậu được thể hiện ở các loại hành vi sau đây: a) Buôn bán trái phép qua biên giới hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý (hành vi này được coi là tội phạm khi hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc người có hành vi đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án và chưa được xoá án tích về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 Bộ luật Hình sự); b) Buôn bán trái phép qua biên giới vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá (hành vi này luôn bị coi là tội phạm, không phụ thuộc vào giá trị của vật phẩm bị buôn bán qua biên giới); c) Buôn bán trái phép qua biên giới các loại hàng cấm theo danh mục do Nhà nước ban hành (hành vi này bị coi là tội phạm khi hàng cấm được buôn bán qua biên giới có số lượng lớn hoặc người buôn bán đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án và chưa được xoá án tích về hành vi quy định tại Điều 153 hoặc một trong các Điều 154, 155, 156, 157, 157, 159, 160, 161 Bộ luật hình sự). Buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng kể trên là hành vi trao đổi các mặt hàng này qua biên giới quốc gia thông qua các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không, đường sắt, đường bưu điện quốc tế trái với các quy định của Nhà nước về hải quan, thương mại như: không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu diếm hàng hoá, không có giấy tờ hợp lệ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan, biên phòng, thuế vụ [30, tr.421]. Tội phạm buôn lậu được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi trao đổi hàng hoá một cách trái phép qua biên giới Việt Nam. Địa điểm phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm buôn lậu. Ở đây, việc xác định hành vi buôn bán trái phép đã qua biên giới hay chưa phải dựa vào hàng hoá - đối tượng tác 14
  18. động của tội phạm buôn lậu đã thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hay chưa. Mặt chủ quan của tội phạm buôn lậu thể hiện rõ ở lỗi của người phạm tội luôn là lỗi cố ý trực tiếp, tức là người thực hiện hành vi buôn lậu nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhận thức rõ sự phản ứng mang tính tiêu cực của Nhà nước đối với người thực hiện hành vi này nhưng họ vẫn mong muốn thực hiện hành vi của đến cùng. Mục đích của người phạm tội buôn lậu là lợi nhuận thu được từ hành vi buôn bán trái phép qua biên giới mà họ thực hiện. Chủ thể của tội phạm buôn lậu là bất cứ ai (người Việt Nam hay người nước ngoài, kể cả người không quốc tịch) có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định, đã thực hiện hành vi buôn bán trái phép hàng hoá qua biên giới Việt Nam nhằm mục đích kiếm lời. Hiện nay, trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, các cơ quan, lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa có sự nhận thức sâu sắc, thống nhất giữa một số loại tội phạm nói chung với nhau, trong đó chưa có sự phân biệt chưa rõ ràng giữa tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm; tội phạm buôn lậu với tội phạm vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới; tội phạm buôn lậu với tội phạm buôn bán hàng cấm; hành vi buôn lậu và hành vi gian lận thương mại. Do đó, việc tìm hiểu những điểm giống nhau, khác nhau và mối quan hệ giữa chúng có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà cả trong thực tiễn. 1. Phân biệt tội buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm Giữa tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm có nhiều điểm giống nhau và khác nhau đòi hỏi phải được phân biệt rạch ròi để tránh những sai lầm đáng tiếc trong việc xác định mức độ vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm đó. Ở đây ta nhận thấy, tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không bị coi là tội phạm có những điểm chung sau đây: 15
  19. Thứ nhất, tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm đều xâm phạm đến chế độ, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu của Nhà nước - quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ. Thứ hai, cả tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm đều được thể hiện bằng hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các loại hàng hoá, tiền tệ, kim khí quý, đá quý và hàng cấm. Thứ ba, cả hai đều giống nhau về yếu tố lỗi. Tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm đều được thực hiện do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp). Nói cách khác, người thực hiện hành vi nhận thức được hành vi buôn bán trái phép qua biên giới là hành vi vi phạm pháp luật, thấy trước được hậu quả xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Thứ tư, người phạm tội buôn lậu và người thực hiện hành vi buôn lậu không phải là tội phạm đều có mục đích giống nhau là hướng tới lợi nhuận thu được từ việc mua bán trái phép qua biên giới bằng các thủ đoạn gian dối: trốn thuế, khai sai sự thật, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của hải quan và các lực lượng chức năng khác Mặc dù có sự giống nhau nhưng giữa tội phạm buôn lậu và hành vi buôn lậu không phải là tội phạm có những điểm khác nhau cơ bản sau: Trước hết, đối tượng tác động của hành vi buôn lậu không phải là tội phạm hẹp hơn đối tượng tác động của tội phạm buôn lậu. Đối tượng tác động của hành vi buôn lậu không phải là tội phạm bao gồm các loại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý; và hàng cấm; đối tượng tác động của Tội phạm buôn lậu ngoài những đối tượng nêu trên còn có thêm loại đối tượng nữa là vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá. Theo quy định của Điều 153, Bộ luật Hình sự thì hành vi buôn bán trái phép qua biên giới vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá luôn bị coi là tội phạm không kể số lượng vật phẩm hay giá trị của vật phẩm [35, tr.47]. Thứ hai, hành vi phạm tội buôn lậu là hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi buôn lậu không phải là tội phạm. Cụ thể theo 16