Luận án Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành

pdf 146 trang vuhoa 24/08/2022 10200
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfluan_an_ke_thua_nhung_uu_diem_cua_luat_pha_san_nam_2004_va_t.pdf

Nội dung text: Luận án Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT LÊ NGỌC THẮNG KẾ THỪA NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA LUẬT PHÁ SẢN NĂM 2004 VÀ TĂNG CƯỜNG TÍNH KHẢ THI TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Hà Nội, 2014
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT LÊ NGỌC THẮNG KẾ THỪA NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA LUẬT PHÁ SẢN NĂM 2004 VÀ TĂNG CƯỜNG TÍNH KHẢ THI TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH Chuyên ngành : Luật Kinh tế Mã số : 62 38 01 07 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. Vũ Quang Hà Nội, 2014
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu đã công bố được tham khảo trong Luận án đều trung thực và trích dẫn nguồn đúng quy định. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Lê Ngọc Thắng
  4. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Viết đầy đủ Viết tắt Doanh nghiệp nhà nước: DNNN Hội nghị chủ nợ: HNCN Hợp tác xã: HTX Ngân hàng nhà nước: NHNN Tổ chức tín dụng: TCTD Tài sản phá sản: TSPS Tổ quản lý, thanh lý tài sản: TQL, TLTS Xã hội chủ nghĩa: XHCN
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Tính cấp thiết của đề tài 1 2. Mục đích, nhiệm vụ của luận án 4 3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài 5 4. Các kết quả mới đạt được của luận án 6 5. Kết cấu của luận án 7 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 8 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu 8 1.1.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới 8 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam 11 1.1.3. Những kết quả nghiên cứu được tác giả kế thừa trong quá trình thực hiện luận án. 16 1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. 18 1.2.1. Cơ sở lý thuyết 18 1.2.2. Phương pháp nghiên cứu 19 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 21 CHƯƠNG 2: KẾ THỪA NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA LUẬT PHÁ SẢN NĂM 2004 TRONG BỐI CẢNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT PHÁ SẢN Ở VIỆT NAM 23 2.1. Lý thuyết về phá sản và pháp luật về phá sản 23 2.1.1. Khái niệm về phá sản 23 2.1.2. Khái niệm về pháp luật phá sản và pháp luật phá sản ở Việt Nam 24 2.1.3 Vai trò của pháp luật phá sản 28 2.1.4. Phân loại phá sản 32 2.2. Những ưu điểm cơ bản của Luật Phá sản năm 2004 35 2.2.1. Về đối tượng áp dụng 35 2.2.2. Về thẩm quyền của Tòa án 38 2.2.3. Về phạm vi điều chỉnh 40 2.3. Pháp luật phá sản ở một số nước trên thế giới 42 2.3.1. Pháp luật phá sản ở Hoa Kỳ 42
  6. 2.3.2. Pháp luật phá sản Cộng hòa Pháp 44 2.3.3. Pháp luật phá sản Trung Quốc 45 2.3.4. Kinh nghiệm đối với Việt Nam 47 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 49 CHƯƠNG 3: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG THI HÀNH PHÁP LUẬT PHÁ SẢN Ở VIỆT NAM 50 3.1. Về bộ máy thực thi pháp luật phá sản 50 3.1.1. Cơ quan Tòa án 50 3.1.2. Về Tổ quản lý và thanh lý tài sản 53 3.2. Về thực tiễn thi hành một số quy định của Luật Phá sản năm 2004 56 3.2.1. Tiêu chí để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản 56 3.2.2. Chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 60 3.2.3. Tài sản phá sản và bảo toàn tài sản phá sản 68 3.2.4. Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt 92 KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 97 CHƯƠNG 4: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG TÍNH KHẢ THI CỦA LUẬT PHÁ SẢN 99 4.1. Một số phương hướng cơ bản nhằm nâng cao tính khả thi của Luật Phá sản 99 4.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao tính khả thi của Luật Phá sản 101 4.2.1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách 101 4.2.2. Nhóm giải pháp liên quan đến tổ chức bộ máy thực thi pháp luật phá sản 104 4.2.3. Tiếp tục hoàn thiện Luật Phá sản trên cơ sở kế thừa những ưu điểm và khắc phục một số hạn chế của Luật Phá sản năm 2004. 108 KẾT LUẬN CHƯƠNG 4 126 KẾT LUẬN 128 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 132 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 133
  7. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tự do cạnh tranh và phá sản là những thuộc tính vốn có của kinh tế thị trường. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, câu chuyện “mạnh được yếu thua” là điều hiển nhiên. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn có lãi, cũng sẽ có những doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Để loại bỏ những doanh nghiệp này ra khỏi nền kinh tế, đồng thời phòng ngừa, khắc phục những hậu quả rủi ro mà các doanh nghiệp này có thể gây ra cho nền kinh tế, cần có sự can thiệp kịp thời của nhà nước thông qua pháp luật phá sản. Tuy nhiên, để xây dựng và thực thi một cơ chế phá sản có hiệu quả là điều không dễ dàng đối với bất cứ quốc gia nào. Ở Việt Nam, Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 là văn bản luật đầu tiên quy định về giải quyết phá sản, sau gần chục năm thi hành, văn bản này bị đánh giá thấp về hiệu quả điều chỉnh và ít tính khả thi. Luật Phá sản 2004 được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 15/10 cùng năm nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại của Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993. Với rất nhiều nội dung mới được bổ sung, sửa đổi Luật Phá sản năm 2004 đã được nhà làm luật đặt nhiều kỳ vọng. Song, không giống như những kỳ vọng ban đầu, Luật Phá sản năm 2004 đang gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện. Những số liệu thống kê sau đây sẽ nói lên điều đó. Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2008 do Ngân hàng thế giới (WB) và Tập đoàn tài chính Quốc tế (IFC) công bố, Việt Nam xếp thứ 91 trên tổng số 178 Quốc gia được khảo sát. Trong đó tiêu chí thứ 10 là tiêu chí về đóng cửa doanh nghiệp, báo cáo cho rằng việc giải quyết các trường hợp phá sản ở Việt Nam mất ít nhất 5 năm, tốn kém đến 15% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp vỡ nợ thì các bên liên quan chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản. Vì thế, rất ít doanh nghiệp tuân theo các quy định và thủ tục chính thức của Luật Phá sản khi đóng cửa hoạt động [94]. 1
  8. Cùng báo cáo tương tự cho năm 2012 về môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì các chỉ số thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Cụ thể, Việt Nam bị xếp thứ 99 trên tổng số 183 nền kinh tế được khảo sát. Đứng sau thứ hạng trung bình toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trong đó lĩnh vực xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán xếp thứ 149/183 trong tổng số mười lĩnh vực được đánh giá và vẫn bị tổ chức này đánh giá chung là: quy trình phá sản ở Việt Nam rất phức tạp, tốn kém, kéo dài và ít hiệu quả. Do vậy, các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thường là chọn các hình thức khác để rút khỏi thị trường hoặc tạm ngưng hoạt động thay vì phá sản theo quy định. Việc này dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp “chết mà không được chôn” hoặc “chôn” theo cách khác, không theo cách mà Nhà nước thông qua Luật Phá sản đã “cài đặt” sẵn. Báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh “Doing Bussiness 2014” mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố sáng ngày 29 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội, thứ hạng của Việt Nam không có thay đổi so với năm 2012. Như vậy, theo báo cáo thì môi trường kinh doanh của Việt Nam không hề được cải thiện trong nhiều năm qua. Trong đó lĩnh vực về giải quyết phá sản ở Việt Nam bị đánh giá rất thấp (149/189 nền kinh tế) [94]. Về phía Việt Nam, nhìn vào con số thống kê cũng nói lên thực trạng này. Theo dự thảo báo cáo tổng kết công tác thi hành Luật Phá sản năm 2004 của Tòa án Nhân dân tối cao, tính đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2012, trong tổng số 63 tòa án cấp tỉnh chỉ có 49 Tòa án nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Như vậy có đến 14 Tòa án cấp tỉnh không nhận được đơn yêu cầu, theo đó có thể hiểu là vấn đề giải quyết phá sản hầu như không diễn ra đối với 14 tỉnh thành trên cả nước. Cũng theo báo cáo này, tổng số đơn mà các chủ thể gửi đến Tòa án là 336 đơn, trong đó Tòa án đã ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản và mới chỉ có 83 quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp. Số còn lại do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc giải quyết phá sản chưa hoặc thậm chí không thể thực hiện được. 2
  9. Số liệu thống kê mới nhất của Tòa án nhân dân Tối cao được cập nhật tiếp từ 01 tháng 10 năm 2012 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2014, số lượng đơn yêu cầu có được cải thiện hơn với 284 đơn yêu cầu Tòa án nhận được. Tuy nhiên, số vụ Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản và số lượng vụ việc mà Tòa ra quyết định doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản vẫn ở mức khiêm tốn. Cụ thể, Tòa án ra được 77 quyết định mở thủ tục phá sản và ra 12 quyết định doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Như vậy tính từ thời điểm Luật Phá sản năm 2004 có hiệu lực đến ngày 28 tháng 02 năm 2014, tổng số đơn mà Tòa án nhận được là 620 đơn, trong đó có 331 vụ việc được ra quyết định mở thủ tục phá sản và 95 quyết định doanh nghiệp phá sản được tuyên. Với kết quả thống kê mà Tòa án nhân dân tối cao công bố, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc thực thi pháp luật phá sản ở Việt Nam hiện nay đang có vấn đề, không phản ánh trung thực kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, không giải quyết được những đòi hỏi mà thực tiễn giải quyết yêu cầu phá sản đặt ra. Với gần chục năm thực hiện và áp dụng (Luật Phá sản có hiệu lực từ ngày 15/10/2004) mà toàn hệ thống Tòa án trên cả nước mới chỉ ra được 95 quyết định phá sản, như vậy tính bình quân mỗi một năm trên toàn Việt Nam có chưa đầy chục doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Điều này rất không bình thường, khi mà ở nước ta thời gian qua mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp ra đời (năm 2010 có 83.600 doanh nghiệp được thành lập mới, năm 2011 con số này là 75.000) và hàng năm cũng có quá nửa số đó rút khỏi thị trường (năm 2010 có 43.505 doanh nghiệp đóng cửa, năm 2011 con số này là 53.972).[81] Với sứ mệnh thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, Luật Phá sản 2004 đã bổ sung nhiều quy định mới và có những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong thời gian qua, khi đánh giá về hiệu quả điều chỉnh của Luật Phá sản 2004, nhiều chuyên gia cho rằng văn bản này có hiệu 3
  10. quả điều chỉnh thấp, ít tính khả thi, không phản ánh hết yêu cầu và thực trạng giải quyết phá sản ở Việt Nam. Thậm chí có ý kiến cho rằng Luật Phá sản 2004 đang “phá sản”. Ở một mức độ nào đó tác giả đồng ý với những nhận định trên. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, bên cạnh một số vướng mắc ở các quy định cụ thể trong Luật Phá sản 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành (thuộc luật nội dung) thì việc tổ chức thực thi pháp luật phá sản, một mảng pháp luật thuộc luật hình thức (tố tụng phá sản) cũng là một trong những nguyên nhân làm sai lệch hiện tượng phá sản ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Trước thực trạng đó, việc sửa đổi bổ sung Luật Phá sản năm 2004 nói riêng và tiếp tục hoàn thiện pháp luật phá sản nói chung là một yêu cầu cấp bách. Hiện tại Luật Phá sản năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 . Xuất phát từ những lý do cơ bản này NCS đã chọn đề tài "Kế thừa những ưu điểm của Luật Phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành” làm luận án tiến sĩ. 2. Mục đích, nhiệm vụ của luận án Mục đích của luận án là phân tích, luận giải và làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó chỉ ra những ưu điểm nhất định mà Luật Phá sản năm 2004 có được nên và đã được kế thừa khi ban hành Luật phá sản năm 2014. Bên cạnh đó, luận án cũng nhấn mạnh đến thực trạng thi hành pháp luật phá sản tại Việt Nam trong thời gian qua, phân tích đánh giá về tính khả thi cũng như những vướng mắc bất cập ở Luật Phá sản 2004 và các văn bản có liên quan. Đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị về những phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao tính khả thi của pháp luật phá sản. Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài được xác định cụ thể như sau: Một là, về phương diện lý luận, luận án hệ thống hóa và làm rõ thêm các vấn đề lý luận về phá sản, pháp luật phá sản cũng như các vấn đề thực thi 4
  11. pháp luật phá sản. Trên cơ sở đó, nhận diện được một cách đầy đủ và chính xác mô hình và đặc trưng cơ bản của pháp luật phá sản Việt Nam. Hai là, về thực tiễn, luận án tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật phá sản ở Việt Nam thông qua các thiết chế thi hành và tính khả thi của một số quy định thuộc Luật Phá sản năm 2004. Thông qua các nội dung này, luận án sẽ chỉ ra một số hạn chế, bất cập của Luật Phá sản năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như những bất cập của văn bản này với các văn bản pháp luật có liên quan. Ba là, luận án nghiên cứu, so sánh và giới thiệu kinh nghiệm về quan điểm xây dựng, hoàn thiện pháp luật phá sản của một số nước và rút ra bài học cho Việt Nam. Bốn là, luận án nghiên cứu và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật phá sản cũng như việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật phá sản trong tương lai. 3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài Pháp luật phá sản và thực thi pháp luật phá sản là một lĩnh vực khá rộng, do vậy luận án chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các vấn đề lý luận liên quan đến thực tiễn thực thi pháp luật phá sản ở Việt Nam, đề cập đến vấn đề tổ chức bộ máy thực thi pháp luật phá sản và một số nội dung cơ bản của luật phá sản năm 2004 như: phạm vi và đối tượng áp dụng; thẩm quyền của Tòa án; tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn; tài sản phá sản và bảo toàn tài sản phá sản. Về thời gian, xuất phát từ tình hình thực tiễn là nền kinh tế Việt Nam chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập, do vậy, luận án chỉ giới hạn nghiên cứu trong giai đoạn chủ yếu từ năm 2004 trở lại đây, đặc biệt là trên cơ sở các quy định của Luật Phá sản năm 2004 và một số vấn đề thuộc Luật Phá sản năm 2014. 5
  12. Về không gian, luận án giới hạn việc tìm hiểu, so sánh ở mức độ nhất định với pháp luật phá sản của một số quốc gia điển hình như: Cộng hòa Pháp (đại diện cho hệ thống pháp luật Civil Law), Hoa Kỳ (điển hình của trường phái Common Law) và Trung Quốc một quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi và có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. 4. Các kết quả mới đạt được của luận án Những điểm mới của luận án là: - Luận án đã giới thiệu một cách tổng quan các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước liên quan đến phá sản, pháp luật phá sản, thực thi pháp luật phá sản và bước đầu đã có những nhận xét, đánh giá chung về kết quả nghiên cứu của các công trình này. Đồng thời, chỉ rõ những kết quả nghiên cứu đã được kế thừa cũng như những vấn đề được tiếp tục nghiên cứu trong luận án. - Trên phương diện lý thuyết, luận án đã kế thừa và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận về phá sản và pháp luật phá sản theo pháp luật về phá sản của Việt Nam. Phân tích, đánh giá và khẳng định một số ưu điểm nổi bật của Luật Phá sản năm 2004, có thể và đã được kế kế thừa, so sánh với pháp luật một số nước và rút ra bài học cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật phá sản. - Ở giác độ thực tiễn, luận án đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật phá sản ở Việt Nam thông qua thiết chế thi hành Luật Phá sản và tính khả thi của một số quy định thuộc Luật Phá sản năm 2004. - Luận án đưa ra một số định hướng và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao tính khả thi của của pháp luật phá sản, gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy thực thi pháp luật phá sản, nhóm giải pháp trên cơ sở kế thừa những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Luật Phá sản năm 2004. Luận án cũng đề xuất một số vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện Luật Phá sản năm 2014 trong thời gian tới. 6
  13. 5. Kết cấu của luận án Ngoài mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo chủ yếu, luận án được kết cấu với 4 chương: Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. Chương 2: Kế thừa những ưu điểm của Luật Phá sản 2004 trong bối cảnh hoàn thiện pháp luật phá sản ở Việt Nam. Chương 3: Đánh giá thực trạng thi hành pháp luật phá sản ở Việt Nam. Chương 4: Phương hướng, giải pháp nhằm tăng cường tính khả thi của Luật Phá sản. 7
  14. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới Phá sản và pháp luật phá sản là vấn đề không mới lạ đối với đa số các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, tự do và hoàn hảo. Do vậy để có cơ sở lý luận và khoa học cho các nhà làm luật hoạch định chính sách phá sản, các nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình chuyên sâu về vấn đề này. Với giới hạn hiểu biết của tác giả thì hiện nay trên thế giới đã hình thành các học thuyết về phá sản cơ bản sau đây: Thứ nhất, học thuyết về chính sách phá sản (bankruptcy-policy Theory) Tác giả của học thuyết này là Elizabeth Warren. Tư tưởng chủ đạo của học thuyết là: pháp luật phá sản không chỉ là giải quyết vấn đề đòi nợ tập thể, ngoài việc giải quyết đòi nợ tập thể pháp luật phá sản còn phải chú trọng đến các vai trò xã hội khác, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, do vậy, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, thể chế chính trị, cơ chế kinh tế của từng quốc gia cụ thể mà ở đó pháp luật phá sản nên được hình thành theo các thủ tục không nhất thiết phải giống nhau [88]. Thứ hai, học thuyết về chia sẻ rủi ro (Risk-Sharing Theory) Người đề xuất học thuyết này là Thomas H. Jackson và Robert E. Scott. Mục đích mà học thuyết này hướng tới là làm rõ các cơ sở khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của luật phá sản về tái tổ chức hoạt động của con nợ. Tư tưởng chủ đạo của học thuyết này: Pháp luật phá sản mục tiêu quan trọng là tối đa hóa giá trị tài sản của con nợ, bên cạnh đó việc các chủ nợ cùng tham gia chia sẻ nguy cơ thất bại với các chủ nợ cũng được coi là mục tiêu thứ yếu. Do vậy, pháp luật phá sản chú trọng đến khả năng thương lượng, 8
  15. tạo hành lang pháp lý để các bên có cơ hội hòa giải thông qua đó nhằm hướng chủ nợ và con nợ đến việc chia sẻ rủi ro và cả hai nhóm chủ nợ này cũng phải đối phó với nguy cơ mất khả năng thanh toán của con nợ [88]. Thứ ba, công trình nghiên cứu về tính đặc thù, khuynh hướng xây dựng và áp dụng Luật Phá sản của các quốc gia có nền kinh tế chuyển đối. Ngoài những học thuyết cơ bản tác giả nêu trên, năm 1996 (sau khi nền kinh tế kế hoạch của một loạt các quốc gia Đông Âu sụp đổ) tác giả Michael Kim đã có công trình nghiên cứu giới hạn trong phạm vi bài viết đăng tải trên tạp chí Fordham LawRewiew với tiêu đề “ When nonuse is useful: Bankruptcy law in post – Communist Central and Eastern Europe” tạm dịch là “Khi Luật phá sản không được sử dụng một cách có hiệu quả ở các nước Trung và Đông Âu thời kỳ hậu chủ nghĩa cộng sản”. Đối tượng nghiên cứu Michael Kim hướng tới là Luật Phá sản ở hai quốc gia: Cộng hòa Séc và Hungary vào thời điểm chủ nghĩa cộng sản ở khu vực này đã thực sự sụp đổ. Giả thuyết tác giả đặt ra khi nghiên cứu là “nếu các quốc gia này có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo” để có thể áp dụng luật phá sản hiện đại một cách có hiệu quả. Công trình nghiên cứu của Michael Kim chỉ ra rằng: Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Trung và Đông Âu (CEE) đã làm nảy sinh nhiệm vụ khó khăn cho những nền kinh tế thị trường đang phát triển [92]. Các quốc gia CEE phải đối mặt với một di sản của chủ nghĩa cộng sản, đó là sự đi ngược lại nền kinh tế thị trường. Dưới chủ nghĩa cộng sản, chính phủ sở hữu tất cả tài sản và lập kế hoạch hoạt động của phần lớn các đối tượng tham gia vào nền kinh tế (chủ thể kinh tế) thông qua sự điều hành tập trung thống nhất từ Trung ương. Nhà nước đảm bảo một nền kinh tế giả tạo [92]. Nhà nước điều khiển sự phối hợp và các khoản đầu tư, tín dụng và tiền lương, việc đầu tư và bao cấp trong các Ngân hàng doanh nghiệp, thậm chí ngay cả khi chúng không tạo ra lợi nhuận, kết quả của nền kinh tế là sự thiếu vắng của hiện 9
  16. tượng phá sản và không có thất nghiệp. Do đó các chủ thể kinh tế dưới thời chủ nghĩa cộng sản không bị sức ép về mặt tài chính nhưng cũng không giỏi tạo ra lợi nhuận hay đạt được những thành công trong kinh doanh [92]. Những quyết định đầu tư trong thành phần kinh tế Nhà nước không xuất phát từ động cơ lợi nhuận. Dưới chủ nghĩa cộng sản, mọi người bỏ qua những quy luật thị trường cơ bản (quy luật tối đa hóa lợi nhuận) và đứng ngoài cuộc cạnh tranh. Do đó không cần thiết cho một cơ chế thị trường căn bản, chẳng hạn như Luật Phá sản hay Luật Cạnh tranh [92]. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các quốc gia CEE đua nhau bắt đầu sự chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Nền kinh tế chuyển đổi vừa hướng tới kinh tế thị trường vừa bắt bản thân nó phải chấp nhận tính khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Với sự phân tích sâu sắc và toàn diện tác giả chỉ ra các mô hình áp dụng Luật Phá sản ở các quốc gia này. Ví dụ: Ở Cộng hòa Séc đã xây dựng luật phá sản theo mô hình “tăng tốc” tiếp cận nhanh hơn với nền kinh tế thị trường, trong khi đó Hungary thì lại áp dụng mô hình phá sản “từ từ” để phù hợp với đặc trưng của một nền kinh tế chuyển đổi. Tóm lại, qua sự khảo sát, phân tích đánh giá, Tác giả đã đi đến nhận định: Luật Phá sản khó có thể sử dụng một cách có hiệu quả ở những quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi (chưa hoàn hảo). Những dự đoán của các chuyên gia phương tây về việc sử dụng Luật Phá sản tràn khắp các nước CEE dựa trên sự chấp nhận thị trường đã không tồn tại [82]. Có thể thấy “When nonuse is useful: Bankruptcy law in post – Communist Central and Eastern Europe” là công trình nghiên cứu hữu ích cho Việt Nam khi hoàn thiện pháp luật Phá sản trong thời gian tới về việc lựa chọn mô hình phá sản phù hợp để đảm bảo tính khả thi cao. 10
  17. 1.1.2 Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam Pháp luật phá sản nói chung và vấn đề thực thi pháp luật phá sản nói riêng là một lĩnh vực khá mới mẻ ở một quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy vấn đề này đã được nhiều học giả đặc biệt quan tâm, các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này phải kể đến như: Thứ nhất, ở bình diện khái quát mang tính lý luận chung có các công trình tiêu biểu như: “ Phá sản doanh nghiệp - một số vấn đề thực tiễn” của Nguyễn Tấn Hơn, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 1995; “Pháp luật về phá sản doanh nghiệp trong Luật kinh tế Việt Nam” của Bùi Nguyên Khánh, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996; “Đi tìm triết lý Luật Phá sản” của Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 16 năm 2003; “Chuyên khảo Luật Kinh tế” của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; “Luật Phá sản 2004 với việc cải thiện môi trường liên doanh tại Việt Nam” của PGS.TS Dương Đăng Huệ - Tạp chí dân chủ và pháp luật- số 03/2005; “Một số suy nghĩ về Luật Phá sản năm 2004” của Tô Nguyễn Cẩm Anh, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 06/2005; Thứ hai, ở giác độ pháp luật so sánh với pháp luật phá sản nước ngoài có các công trình điển hình như: “Pháp luật về phá sản của Việt Nam và pháp luật Phá sản Úc: Những nét tương đồng và khác biệt” của T.S Dương Đăng Huệ, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 03/1995; “Pháp luật quốc tế về phá sản và vận dụng vào việc xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) ở nước ta”, công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Hà Nội, 2001; “Luật Phá sản doanh nghiệp Việt Nam dưới góc độ luật so sánh và phương hướng hoàn thiện” Luận án tiến sĩ Luật học của Trương Hồng Hải - Đại học Luật Hà Nội 2004; “ Luật 11
  18. Phá sản của Việt Nam và Luật Phá sản của cộng hòa Pháp- những nét tương đồng và khác biệt” Luận văn thạc sĩ của An Phương Huệ, 2004; “So sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số nước về phá sản và định hướng sửa đổi Luật phá sản 2004” của PGS.TS Ngô Huy Cương - tham luận hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản tại Đà Nẵng; Thứ ba, ở giác độ nghiên cứu pháp luật phá sản nước ngoài có công trình tiêu biểu như: “Luật Phá sản của Hoa Kỳ” của TS. Bùi Nguyên Khánh, Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật năm 2002. Thứ tư, vấn đề hoàn thiện pháp luật phá sản có các công trình điển hình sau: “Những giải pháp pháp lý cần xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo doanh nghiệp rút khỏi thị trường” của Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp năm 2002; “Một số ý kiến về dự thảo pháp luật phá sản (sửa đổi)” của PGS.TS Dương Đăng Huệ và Cao Đăng Vinh- Tạp chí Tòa án nhân dân tối cao - số 01/2004; “ Đánh giá thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2004” của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao- tài liệu phục vụ hội nghị chuyên đề năm 2008; “ Hoàn thiện pháp luật phá sản Việt Nam theo các khuyến nghị của hướng dẫn xây dựng Luật Phá sản của UNCITRAL năm 2005” Luận văn thạc sĩ Luật học của Nguyễn Văn Nam, năm 2010; “Thực trạng pháp luật về phá sản và việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh tại Việt Nam” của Bộ Tư pháp và MPI-GTZSME Development Programme, năm 2008; “Dự thảo báo cáo tổng kết đánh giá tác động của Luật Phá sản Việt Nam năm 2004” Tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao năm 2013; “Thủ tục Phá sản - thực trạng và hướng hoàn thiện” của Đào Thị Hồng Phương, Luận văn thạc sĩ Luật học năm 2009; “Hoàn thiện pháp luật về thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam giai đoạn hiện nay”, Luận văn thạc sĩ Luật học của Đào Thị Thu Trang năm 2009; “Các giải pháp pháp lý nhằm giải quyết tốt hơn việc phá 12
  19. sản doanh nghiệp ở Việt Nam”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Bộ Tư pháp năm 2009 do PGS.TS Dương Đăng Huệ làm chủ biên; “Thực trạng thi hành pháp luật phá sản ở Việt Nam và hướng hoàn thiện” của Lê Ngọc Thắng - Tạp chí Khoa học và đào tạo Ngân hàng số 12 năm 2013; và đặc biệt là bài viết “Thi hành Luật Phá sản năm 2004 - thực trạng và giải pháp” của PGS.TS Dương Đăng Huệ tại hội nghị chuyên đề đánh giá thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2004. Thứ năm, liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật phá sản ở Việt Nam có các công trình như: “ Luật Phá sản 2004 - Một số điểm mới và tính khả thi” của Lê Ngọc Thắng - Tạp chí Giáo dục lý luận số 5/2004; “Kế thừa những ưu điểm của Luật phát sản năm 2004 trong bối cảnh hoàn thiện pháp luật phá sản ở Việt Nam” của Lê Ngọc Thắng - Tạp chí Dân chủ & Pháp luật (266) năm 2014; “Bàn về quyền của người lao động trong thủ tục phá sản doanh nghiệp” của Lê Ngọc Thắng - Tạp chí Lao động và xã hội (478) năm 2014; “Hoàn thiện quy định về các giao dịch bị coi là vô hiệu theo Luật Phá sản năm 2004" của Lê Ngọc Thắng - Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (314) năm 2014; “Tìm hiểu các quy định của Luật Phá sản năm 2004 - về thủ tục phục hồi và thanh lý tài sản, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản và một kiến nghị” của Bùi Thị Dung Huyền, Chuyên đề khoa học xét xử, Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao; “Một số vấn đề về Luật Phá sản” của Nguyễn Thái Hà, Bùi Hữu Toàn, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng - số 3,4/2005; Thứ sáu, ở giác độ nghiên cứu về các thiết chế thực thi pháp luật phá sản Việt Nam có: “Một số vấn đề về hoạt động của Tổ quản lý và Thanh lý tài sản trong thủ tục giải quyết phá sản”, bài tham luận của Đinh Thị Thu Hương tại Hội thảo về pháp luật phá sản những vướng mắc và hướng khắc phục, tổ chức tại TP.HCM năm 2006; “Quy chế pháp lý của tổ quản lý và thanh lý tài sản theo 13
  20. pháp luật phá sản Việt Nam” của Đặng Văn Huy, Luận văn thạc sĩ Luật học, năm 2010; “Vai trò của Tòa án trong giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp” của Lê Tuấn Anh, Luận văn thạc sĩ Luật học, năm 2013; Thứ bảy, ở giác độ đi sâu vào nghiên cứu về các vấn đề như tài sản phá sản, bảo toàn và xử lý tài sản phá sản có các công trình điển hình sau: “Quản lý và xử lý tài sản phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam” của Vũ Thị Hồng Vân, Luận án tiến sĩ Luật học năm 2008; “ Bảo toàn tài sản doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản- một số tồn tại vướng mắc cần khắc phục” của thạc sĩ Cao Đăng Vinh, bài viết tham luận hội thảo pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã ở nước ta, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức năm 2013. Về cơ bản các công trình này chủ yếu phân tích đánh giá về pháp luật phá sản của Việt Nam trên các phương diện: chức năng, vị trí, vai trò và các nội dung cơ bản của pháp luật phá sản Việt Nam. So sánh sự tương đồng và khác biệt giữa pháp luật phá sản của Việt Nam và pháp luật phá sản một số nước trên thế giới, qua đó tìm ra những ưu và nhược điểm. Đa phần các công trình này đã đề cập đến vấn đề thực thi pháp luật phá sản và nâng cao tính khả thi của pháp luật phá sản Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức độ khái quát. Mặc dù các công trình này ít nhiều có sự khác nhau về đối tượng nghiên cứu, nhưng nhìn chung các nghiên cứu trên ở những chừng mực nhất định đã có sự phân tích đánh giá về thực tiễn thực thi pháp luật phá sản ở Việt Nam và phương hướng nâng cao tính khả thi của Luật Phá sản. Tuy nhiên, các nghiên cứu này về cơ bản chỉ dừng lại ở thực trạng thực thi thông qua số liệu báo cáo tổng kết của cơ quan chức năng và chủ yếu là đề cập tới những vướng mắc cụ thể của hầu hết các nội dung của Luật Phá sản (luật nội dung) mà chưa có một công trình nào đề cập một cách sâu rộng về việc tổ chức bộ máy 14
  21. thực thi pháp luật phá sản - một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để pháp luật phá sản được thực thi một cách có hiệu quả. Về bản chất phá sản là một vụ tranh chấp dân sự. Do vậy việc giải quyết phá sản thuộc lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật của nhiều nước trên thế giới đều quy định thẩm quyền giải quyết vụ phá sản thuộc về Tòa án - với tư cách là một thiết chế công, cho dù có giới hạn là Tòa án chỉ tham gia khi các bên có yêu cầu. Trong pháp luật phá sản của Việt Nam, Tòa án có vai trò quyết định ở mọi giai đoạn của thủ tục tố tụng, vai trò này được thể hiện thông qua thẩm quyền của Thẩm phán đối với việc giải quyết hầu hết các vấn đề phát sinh trong thủ tục phá sản. Bên cạnh Thẩm phán, còn có cơ quan quản lý và thanh lý tài sản với vai trò là người giúp việc cho Thẩm phán. Tuy nhiên, sự khác biệt của pháp luật phá sản ở nước ta so với pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới là bộ phận quản lý và thanh lý tài sản (quản tài viên), không có sự độc lập tương đối với Tòa án trong việc xử lý nhiều vấn đề liên quan tới phá sản. Hơn nữa, với cơ cấu hình thành chủ thể này như quy định của Luật Phá sản năm 2014 thì rõ ràng là những thành viên của bộ phận này không thực sự chuyên nghiệp so với yêu cầu mà lẽ ra họ cần phải đáp ứng. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản làm cho hoạt động thực thi pháp luật phá sản ở Việt Nam không cao. Pháp luật phá sản nói chung và việc nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật phá sản là vấn đề cần được quan tâm, vấn đề này đã được nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách nghiên cứu thông qua rất nhiều công trình khoa học như đã được trình bày ở trên; kết quả của những nghiên cứu đó đã có những đóng góp không nhỏ cho việc hoàn thiện pháp luật phá sản trong thời gian qua . Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa yêu cầu giải quyết phá sản, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng thì việc tiếp tục nghiên cứu và 15